- Dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ kéo dài cần có các gói chính sách dài hạn, Thủ tướng cho biết, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp…
Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào sáng nay 9/7, các thành viên Hội đồng đều cho rằng, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.
Do vậy, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022. Phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng…
Đặc biệt, các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; Cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu…; Kích cầu nội địa trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng…; Tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến các ý kiến cho rằng nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra.
Nếu vậy thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn. Việt Nam là nước hội nhập sâu rộng nên cần lưu ý đến các cảnh báo này" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng: Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch bệnh kéo dài |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta có cơ hội lớn trong phát triển, đó là sớm khống chế dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi.
Do vậy, Hội đồng thống nhất quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới là cần có quyết sách mới, chủ động hơn, trong đó điều đầu tiên là kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại và coi đây là điều kiện tiên quyết.
Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%; Kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, kể cả lạm phát. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện và có đối sách đối với vấn đề cấp bách, phát sinh.
Hội đồng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 11, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống của người dân.
“Đây là những biện pháp đúng, trúng nhưng chưa được triển khai đến nơi đến chốn.” – Thủ tướng nói.
Thứ hai, nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; Thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng.
Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%; chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Hội đồng cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, tiếp tục xem xét giảm lãi suất; Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số…
“Phải đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là không để đi sau thu hút nguồn dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, đang có sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu”, Thủ tướng nói.