– Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
Ngày 29/6, Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19”.
Hiệp định EVFTA sẽ thành đòn bẩy để doanh nghiệp vượt thách thức
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định EVFTA kể từ sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định vào ngày 08 tháng 6 năm 2020 và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 18 tháng 6. Như vậy, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Về thương mại, tính đến hết tháng 5 năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4 năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Để tận dụng Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới |
“Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hiện thức hóa các cơ hội như vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị |
Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế tham gia một cách chơi mới
Ông Ngô Chung Khanh – Phó vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương (thành viên đoàn đàm phán Chính phủ), Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các bên có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác.
Cũng theo ông Khanh, việc tham gia Hiệp định EVFTA là ra biển lớn. Tuy nhiên, cách chơi trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao. Việt Nam là một trong những nước đi đầu, đón xu hướng này. “Đây chính là cơ hội song cũng đi kèm thách thức. Hiệp định EVFTA được Thủ tướng ví như đường cao tốc kết nối với EU. Tuy nhiên, nếu ra đường cao tốc mà không trang bị tốt, khả năng tai nạn còn cao hơn. Vì vậy, cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới. Đây là điều buộc phải làm vì thế giới bắt đầu chuyển đổi về chuỗi cung ứng” – Phó vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính, để chuẩn bị thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ cũng đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định biện pháp chỉ đạo điều hành và các biện pháp khác để thực thi đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Liên quan đến việc Anh rời khỏi EU, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, khi EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc Bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (thỏa thuận Brexit), kể từ 23h ngày 31/01/2020, Anh đã rời khỏi EU. Thỏa thuận này, Anh sẽ có giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ ngày 01/02/2020 đến hết 31/12/2020. Hai bên có thể gia hạn giai đoạn này đến 24 tháng, nhưng việc gia hạn chỉ được thực hiện một lần và phải được quyết định trước ngày 01/07/2020. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các thỏa thuận quốc tế được ký bởi EU, các thành viên hoặc đồng ký kết bởi EU và các quốc gia thành viên vẫn được áp dụng cho Anh.
Yến Nhi