Chùm ảnh chính trường Ukraine chao đảo vì "huynh đệ tương tàn"

11:15, 18/12/2017
|

(VnMedia) - Khoảng 5.000 người ủng hộ Nhà lãnh đạo đối lập Mikheil Saakashvili đã tràn về thủ đô Kiev của Ukraine ngày hôm qua (17/12) với lời kêu gọi lật đổ Tổng thống Petro Poroshenko. Lực lượng biểu tình hùng hậu này đã tìm cách chiếm giữ một tòa nhà.

Hình ảnh cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát ngày hôm qua (17/12)
Hình ảnh cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát ngày hôm qua (17/12)
Cựu Tổng thống Gruzia cũng là Nhà lãnh đạo đối lập Ukraine - ông Mikheil Saakashvili (ngoài cùng bên phải) đang là nhân vật gây đảo lộn chính trường Ukraine và khiến chính quyền Kiev thực sự đau đầu
Cựu Tổng thống Gruzia cũng là Nhà lãnh đạo đối lập Ukraine - ông Mikheil Saakashvili (ngoài cùng bên phải) đang là nhân vật gây đảo lộn chính trường Ukraine và khiến chính quyền Kiev thực sự đau đầu
Lực lượng biểu tình ủng hộ ông Mikheil Saakashvili
Lực lượng biểu tình ủng hộ ông Mikheil Saakashvili
Ông Mikheil Saakashvili
Ông Mikheil Saakashvili
Khoảng 5.000 người biểu tình đã đổ về Kiev
Khoảng 5.000 người biểu tình đã đổ về Kiev
Ông Mikheil Saakashvili giữa những người biểu tình
Ông Mikheil Saakashvili giữa những người biểu tình
Cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi những người biểu tình tìm cách chiếm đóng một tòa nhà
Cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi những người biểu tình tìm cách chiếm đóng một tòa nhà
Lực lượng biểu tình đụng độ với cảnh sát Ukraine
Lực lượng biểu tình đụng độ với cảnh sát Ukraine

Những người ủng hộ ông Saakashvili đã diễu hành khắp thủ đô Kiev và sau đó kéo về tụ hội với cựu Tổng thống Gruzia cũng là cựu tỉnh trưởng của Ukraine – ông Saakhashvili ở Quảng trường Độc lập để tiến hành cuộc biểu tình kêu gọi luận tội Tổng thống Petro Poroshenko.

"Tôi đang đề nghị ông Poroshenko tiến hành đàm phán với người dân để thảo luận chỉ một điều: sự ra đi của ông ấy cũng như việc loại bỏ các nhân vật đầu sỏ chính trị khỏi bộ máy quyền lực”, ông Saakashvili đã phát biểu như vậy trước đám đông người ủng hộ.

Cựu Tổng thống Gruzia sau đó đã đề xuất thiết lập một đại bản doanh của lực lượng biểu tình ở Cung điện Tháng Mười (October Palace) – một trung tâm hội nghị và biểu diễn nghệ thuật nhìn ra Quảng trường Độc lập.

Những người biểu tình ngày hôm qua đã ném vỡ hàng loạt cửa sổ và tìm cách phá vỡ cửa ra vào của Cung điện Tháng Mười nhưng cảnh sát sau đó đã ngăn chặn kịp thời, không để lực lượng này tràn vào chiếm đóng khu vực.

Giới chức thành phố cho biết, hành động phá hoại và tìm cách chiếm đóng Cung điện Tháng Mười của người biểu tình diễn ra đúng thời điểm có hàng trăm trẻ em đã tham dự một sự kiện ở đó.

Bộ Nội vụ Ukraine cho hay, hơn 30 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong cuộc đụng độ với những người biểu tình ủng hộ ông Saakashvili. Lực lượng biểu tình bị tố cáo đã bắn hơi cay và ném pháo sáng, chai lọ về phía cảnh sát.

Sau khi nỗ lực xâm nhập vào tòa nhà của lực lượng biểu tình thất bại, cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili đã thay đổi cách thức hành động, quay ra kêu gọi hòa bình.

Một số nhà ngoại giao phương Tây ở Ukraine đã lên tiếng chỉ trích hành động bạo lực và chiếm tòa nhà của người biểu tình.

Đại sứ Canada tại Ukraine – ông Roman Waschuk đã bình luận trên Twitter rằng “những nỗ lực nhằm chiếm đóng và phá hoại các tòa nhà công cộng là hành động vi phạm quyền được tiến hành biểu tình hòa bình”. Đại sứ Anh tại Ukraine Judith Gough cũng chia sẻ lập trường của ông Waschuk.

Vụ việc mới nhất nói trên tiếp tục phơi bày mâu thuẫn ngày càng bị khoét sâu giữa những người từng là đồng minh thân thiết một thời trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine và chống Nga.

Những gì đang diễn ra trên chính trường Ukraine hiện nay khiến không ít người bất ngờ bởi sự đảo chiều hoàn toàn trong mối quan hệ của những nhân vật hàng đầu. Họ từng là đồng minh gắn bó chặt chẽ với nhau và trong chốc lại trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili là người ủng hộ nhiệt thành cho chính quyền Kiev hiện thời ngay từ những ngày đầu nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014.

Ông Saakashvili từng được Tổng thống Petro Poroshenko “thưởng” cho những nỗ lực của mình bằng việc bầu ông này làm Thống đốc khu vực Odessa quan trọng của Ukraine hồi tháng 5 năm 2015. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Gruzia nói tiếng Nga thành thạo này đã tuyên bố từ chức chỉ sau 6 tháng cầm quyền với lý do bất mãn. Ông Saakashvili cáo buộc Tổng thống Ukraine và các thành viên trong nội các của ông này ngăn cản không cho ông thực hiện công việc chống tham nhũng.

Ông Saakashvili từng thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tạo ra một lực lượng chính trị rộng khắp, đặt ra một cương lĩnh cho lực lượng mới với mục tiêu là lật đổ bộ máy lãnh đạo chính trị hiện nay”. Ông Saakashvili còn nhấn mạnh, ông rất nghiêm túc về kế hoạch lật đổ Tổng thống Poroshenko và đưa Ukraine đi theo một tiến trình mới.

Ông Saakashvili từng là một ngôi sao sáng trên chính trường Gruzia và được Mỹ đánh giá cao vì đã có công trong việc quét sạch nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Gruzia và đưa đất nước này đi trên con đường minh bạch về kinh tế.

Tuy nhiên, thất bại thảm hại của Gruzia trong cuộc chiến 5 ngày với Nga năm 2008 đã khiến uy tính của ông Saakashvili suy giảm đến mức ông bị đánh bại dễ dàng trong cuộc bầu cử năm 2012 và trở thành mục tiêu của một loạt cuộc điều tra mà ông cáo buộc là có động cơ chính trị.

Cựu Tổng thống Gruzia rời đất nước, đến Ukraine và lao vào cuộc cách mạng Maidan ở đây với tư tưởng chống Nga mạnh mẽ. Ông Saakashvili và ông Poroshenko là những người quen biết lâu năm của nhau và cả hai đều từng tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở thủ đô Kiev hồi đầu những năm 1990. Nga từng xem việc Ukraine bổ nhiệm “kẻ thù” của mình làm người đứng đầu Odessa là một ví dụ cho thấy sự “vây cánh” trong chính quyền Poroshenko và ông Saakashvili được báo chí Nga miêu tả là một kẻ chạy trốn. Tuy nhiên, sau một thời gian trở thành đồng minh thân thiết của nhau và cùng ra sức chống Moscow, hai ông này giờ đây lại quay lưng, trở thành “kẻ thù” của nhau.

Hồi tháng Bảy, Tổng thống Poroshenko đã ra một sắc lệnh tước bỏ quốc tịch Ukraine của ông Saakashvili. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khi đó đã miêu tả việc Kiev tước bỏ quốc tịch của ông Saakashvili như là một “vở bi hài kịch kỳ lạ”.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc