Tên lửa Nga khiến Mỹ, NATO "đứng ngồi không yên"

17:13, 11/09/2017
|

(VnMedia) - Các nước thành viên NATO cho rằng, cuộc đàm phán giữa Moscow-Ankara về hệ thống phòng không S-400 chỉ là “cuộc thương thảo thị trường”, tức là khó thành hiện thực.

Các chuyên gia tin rằng,Nga sẽ không mạo hiểm mà chuyển giao các hệ thống riêng cùng với công nghệ của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nằm trong NATO.

Các nước thuộc NATO tin tưởng rằng, Nga sẽ không bàn giao tổ hợp S-400 với công nghệ này cho một nước thành viên NATO bởi, Moscow sẽ lo ngại rằng, sớm hay muộn, những công nghệ này sẽ bị liên minh nắm lấy để sử dụng.

Một nhà ngoại giao cấp cao của một nước phương Tây trong một cuộc trò chuyện với tờ Cumhuriyet cho rằng, Moscow thực ra đang muốn gây rạn nứt trong NATO khi thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ về S-400.

"Nói chung, đối với tất cả các đối tác và đồng minh của chúng tôi mà chúng tôi đang làm việc cùng và tất nhiên chúng tôi làm việc với cả Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi luôn quan tâm đến những gì họ đang mua. Chúng tôi muốn họ mua những gì có thể góp phần đóng góp cho liên minh của chúng tôi”, ấn phẩm trích lời phát ngôn viên chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – ông Tayyip Erdogan hôm nay (26/7) tuyên bố, Ankara và Moscow vừa ký kết một văn bản về hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất.

“Chúng tôi đã đạt được bước tiến trong việc ký kết hợp đồng S-400 với Nga. Tôi hy vọng sẽ sớm thấy S-400 xuất hiện ở đất nước chúng ta. Chúng ta cũng sẽ đề xuất việc liên doanh sản xuất hệ thống này”, ông Erdogan cho hay.

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm nay đã không thể có được loại vũ khí mình cần từ Mỹ, bởi vậy, nước này phải đi tìm đối tác mới

“Và hệ thống S-400 này là kết quả của việc tìm kiếm này. Hy Lạp, một quốc gia thành viên NATO đã sử dụng hệ thống S-300 trong nhiều năm. Vậy Mỹ còn lo ngại về điều gì?” Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Theo các quan chức quốc phòng của Mỹ, việc Ankara chuẩn bị sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có thể là nguồn cơn quan ngại đối với Washington.

Tuy nhiên, về phần mình, ông Erdogan cho rằng, ông không hiểu lý do tại sao Mỹ lại “đứng ngồi không yên” khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga, nhấn mạnh rằng, mọi quốc gia trên thế giới đều có quyền đưa ra các biện pháp chắc chắn để bảo vệ an ninh của mình.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.  

 
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
 
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
 
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
 
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
 
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
  
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
 
Hiện nay, lực lượng phòng không Nga đã triển khai nhiều trung đoàn tên lửa S-400 trên lãnh thổ nước này, trong đó có các trung đoàn được bố trí ở ngoại ô thủ đô Moscow, ở vùng Baltic thuộc Leningrad và ở khu vực Nakhodka thuộc vùng lãnh thổ Primorsky Krai, gần sát với phần lãnh thổ phía Đông Bắc của Trung Quốc và phía Bắc của Triều Tiên.
 
S-400 Triumph được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tên lửa phòng không của Nga trước năm 2020. 
 
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. 

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc