'Bổ' máy đồng hồ Omega James Bond super fake giá 4.000 USD

16:00, 15/08/2017
|

(VnMedia) - Chiếc đồng hồ Omega được chủ nhân mua với giá 4.000 USD khi hãng đồng hồ Thụy Sĩ này sản xuất để kỷ niệm 50 năm bộ phim về James Bond đầu tiên ra mắt màn ảnh nhỏ trong dịp ra mắt tập phim Điệp viên 007 mới – Skyfall. Tuy nhiên, đây lại là loại đồng hồ super fake.

Những ai đam mê quý ông James Bond lịch lãm trong những tập phim Điệp viên 007 hẳn sẽ để mắt tới những chiếc đồng hồ được coi là siêu phẩm của thời đại mà James Bond sử dụng, trong đó có thương hiệu Omega.

Một người chuyên sưu tập đồng hồ cho biết, những chiếc đồng hồ đẳng cấp gắn liền với nhân vật James Bond từ tập phim đầu tiên năm 1962 mang thương hiệu Rolex. Nhiều năm sau có dùng thêm đồng hồ Seiko, cho đến năm 1995, đồng hồ Omega chính thức được James Bond sử dụng trong tập phim GoldenEye. Đồng hồ Omega được James Bond dùng trong nhiều tập phim sau đó cho tới nay.

Phải nói rằng, mặc dù nhân vật James Bond là hư cấu nhưng những chiếc đồng hồ được James Bond sử dụng đều phản ánh những gì tuyệt nhất trong từng thời đại. Thế nên, đồng hồ của điệp viên 007 luôn được phái mạnh ưa chuộng, khao khát có nó. Chính vì độ 'hot' đó mà đồng hồ Omega bị làm nhái, giả khá nhiều, với đủ cấp độ, fake 1, super fake.

Để người tiêu dùng biết rõ hơn về mức độ làm nhái của loại đồng hồ cao cấp, ông Đặng Văn Trường – Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty CP Đồng hồ chính hãng Xwatch đã cho xem thực tế những chiếc đồng hồ fake mang các thương hiệu nổi tiếng như: Rolex, Omega, Longines,Tissot… và cho biết, có loại làm giả cao cấp đến mức người mua bỏ một khoản tiền lớn để mua và tin tưởng đó là hàng chính hãng, như đồng hồ hiệu Rolex, Omega…

Đặc biệt, ông Trường đã bổ máy chiếc Omega Seamaster James Bond 007 đang được sửa tại Xwatch. Chiếc đồng hồ này là phiên bản đặc biệt kỷ niệm 50 năm bộ phim Điệp viên 007, được chủ nhân mua với giá 4.000 USD cách đây vài năm.

Chiếc đồng hồ Omega super fake giá 4.000 USD chỉ được phát hiện là hàng nhái khi đem đi sửa. Ảnh:KN
Chiếc đồng hồ Omega super fake giá 4.000 USD chỉ được phát hiện là hàng nhái khi đem đi sửa. Ảnh:KN
Các chi tiết trong máy làm gần như thật. Ảnh:KN
Các chi tiết trong máy làm gần như thật. Ảnh:KN
Tuy nhiên, thực tế chiếc Omega fake cao cấp này chỉ là loại ‘ngựa hai guốc’, loại máy phổ biến cho các dòng đồng hồ Thụy Sĩ tầm trung. Ảnh:KN
Tuy nhiên, thực tế chiếc Omega fake cao cấp này chỉ là loại ‘ngựa hai guốc’, loại máy phổ biến cho các dòng đồng hồ Thụy Sĩ tầm trung. Ảnh:KN
 

 

 

 

Bỏ tiền mua loại đồng hồ cao cấp nhưng khách hàng lại nhận được sản phẩm thông thường
Bỏ tiền mua loại đồng hồ cao cấp nhưng khách hàng lại nhận được sản phẩm thông thường

Mở nắp phía sau đồng hồ, ông Trường chỉ cho xem từng chi tiết bên trong. Phải nói rằng, đây là chiếc đồng hồ super fake, gần như thật. Bởi, chiếc đồng hồ này cũng được sản xuất tại Thụy Sĩ, các chi tiết bên trong lẫn bên ngoài máy đều rất đẹp.Thậm chí, mặt sau cũng đề mã máy Co- Axial 2507 đúng với dòng đồng hồ hãng sản xuất thời điểm đó.

Mặt đồng hồ được lắp kim, số rất tinh xảo,  có cả số seri ở tai máy. Vỏ máy làm khá hoàn hảo. Ông Trường cho rằng, nếu thợ không chuyên nghiệp, nhìn ngoài lẫn bên trong cũng khó phát hiện ra được đây là chiếc đồng hồ fake, chứ chưa nói đến các khách hàng.

Điều đặc biệt để nhận biết chiếc Omega này là hàng fake đó chính là chi tiết code máy. Khi ông Trường ‘soi’ code máy thì phát hiện đây chỉ là loại máy thông thường, mà ngay các hãng đồng hồ thấp cấp cũng sản xuất được.

Máy của đồng hồ Omega được hãng tự sản xuất nên đẳng cấp khác hẳn, còn máy của chiếc Omega giá 4.000 USD này được mua của các công ty sản xuất hàng loạt về để lắp ráp. Họ chỉ việc hoàn thiện dây, vỏ đem bán, ông Trường phân biệt.

“Máy chuẩn thì phải là máy Co-Axial 2507 độc quyền của Omega, biểu tượng ngựa 3 guốc, nhưng thực tế chiếc Omega fake cao cấp này chỉ là loại ‘ngựa hai guốc’, loại máy phổ biến cho các dòng đồng hồ Thụy Sĩ tầm trung…”, ông Trường cho biết.

 

Xem clip bổ máy đồng hồ Omega James Bond fake giá 4.000 USD:

Người tiêu dùng cần bảo vệ chính mình

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khi mua một mặt hàng mang tính kỹ thuật cao như đồng hồ thì người tiêu dùng muốn ‘thông thái’ cũng không dễ dàng chút nào. Do đó, để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên tìm đến các đại lý chính hãng.

Hiện nay mỗi năm Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN phải giải quyết khá nhiều các vụ việc, trong đó liên quan tới nhiều mặt hàng. Do vậy, nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả thì có quyền làm đơn khiếu nại bồi thường. Bằng phương pháp hòa giải, Hội sẽ liên hệ với phía cung cấp sản phẩm để yêu cầu giải quyết thỏa đáng.

Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết,  người tiêu dùng khi kiểm tra lại phát hiện là đồng hồ nhái thì có thể báo lên các cơ quan chức năng như Đội quản lý thị trường Quận (theo từng địa bàn quản lý)  hoặc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 qua đường dây nóng 0981.389.389 và 0961.389.389; Fax: 04.39440848; Email: bcd389@customs.gov.vn ”.

Đinh Bách (Bài, ảnh, video)


Ý kiến bạn đọc