Nga triển khai lô tên lửa có sức công phá kinh hoàng

15:04, 24/02/2017
|

(VnMedia) - Hơn 80% lực lượng tên lửa của Bộ binh Nga sẽ được thay thế từ hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U sang tổ hợp tên lửa tối tấn Iskander-M. Đó là thông tin vừa được Tư lệnh Bộ binh Nga - Thiếu Tướng Oleg Salyukov đưa ra hôm qua (23/2).

Cụ thể, trong năm nay, thêm 2 đơn vị tên lửa sẽ được thay thế hệ thống Iskander-M.

"Chúng tôi sẽ hoàn thành việc tái vũ trang và kết nối hệ thống Iskander trên cả nước trong năm nay. Một số trạm radar của chúng tôi đang trong quá trình chiến đấu thử nghiệm nhưng trong năm nay, tất cả số đó sẽ chuyển sang chế độ cảnh báo chiến đấu. Chúng tôi sẽ rải các trạm radar cho tất cả các loại tên lửa, tất cả các loại quỹ đạo, trong đó có cả đường đạn đạo ".

 

 

 

 

 

 

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.

Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

Tên lửa Iskander được xem là một trong những vũ khí bảo bối của Nga nhằm đối phó với đối thủ phương Tây hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu. Tên lửa Iskander được Nga sử dụng để cảnh báo Mỹ và NATO về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.

Iskander cũng là một trong những thứ vũ khí nằm trong lựa chọn hàng đầu của giới chức Nga, khi họ tung ra những lời cảnh báo, đe dọa đối với phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc