Mỹ triển khai tàu sân bay "khủng" tới Địa Trung Hải

18:58, 24/01/2017
|

(VnMedia) - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS George H.W. Bush vừa rời Virginia vào hôm 21/1 để tiến tới Địa Trung Hải.

Chiếc tàu sân bay này đã vấp phải nhiều vấn đề về bảo dưỡng, khiến quá trình này kéo dài hơn dự kiến từ 8 lên 13 tháng. Điều này cũng khiến những hoạt động huấn luyện thủy thủ diễn ra muộn hơn nên không thể kịp thay thế tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower ở Địa Trung Hải vào đúng ngày 30/12/2016.

Theo tờ Stripes, hải quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự sẵn sàng chiến đấu khi quy mô các hạm đội được thu nhỏ ở mức thấp nhất trong gần một thập kỉ qua bất chấp nhu cầu xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới.

Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ tăng cường tiềm lực quân sự, bao gồm cả nâng số lượng tàu chiến của hải quân lên từ 270 đến 350 chiếc.

Phó Tư lệnh điều phối hoạt động hải quân Mỹ William Moran từng tiết lộ với Breaking Defense hồi đầu tháng 1 rằng, đội chuyển giao quyền lực của ông Trump đã liên hệ với họ để lập kế hoạch cho việc này.

 

Tàu sân bay hạt nhân USS George H.W.Bush gọi tắt là tàu sân bay Bush (CVN-77). Tàu được đặt theo tên Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ (Bush cha), người đã từng là phi công trẻ nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tàu là sự tiếp nối cải tiến của CVN-76, đường băng không thay đổi lớn như ý tưởng ban đầu, làm nền cho thiết kế cải tiến CVN-78. Đây là con tàu lớp Nimitz cuối cùng của Mỹ. Theo tiết lộ của nguồn tin cấp cao hải quân Mỹ, CVN-77 là tàu thử nghiệm CVX của thế hệ tàu sân bay mới, một số công nghệ sẽ dùng thử trên CVN-77, sau khi hoàn thiện sẽ dùng để chế tạo tàu CVX.

Do chế tạo muộn, nó đã sử dụng công nghệ năng lượng nguyên tử tiên tiến hơn, mức độ hiện đại hóa cao hơn. Về động cơ, hai lò phản ứng hạt nhân trên tàu có thể cung cấp cho tàu chiến hoạt động 20 năm mà không cần thêm nhiên liệu.

Về mặt phòng thủ tự vệ, dù cho phòng thủ dưới nước, phòng thủ đối với tên lửa chống hạm, nó đều được coi trọng hơn, bao gồm hai mạn tàu, đáy tàu, kho chứa máy bay, đường băng đều có kết cấu 2 tầng, trong tàu có hàng chục vách ngăn kín nước dày, bộ phận dưới nước được tăng dày cho sàn tàu, khoang chống ngư lôi nhiều tầng.

Về phương diện khả năng tấn công, nó có thể mang nhiều nhất là gần 100 máy bay và có nhiều hệ thống phóng tên lửa đối không và pháo phòng thủ gần.

Ngày 9/12/2002, chiếc tàu sân bay này chính thức được đặt tên là Bush. Tàu dài 332 m, từ đường mớn nước của thân tàu trở lên cao khoảng tòa nhà 20 tầng, có thể chở gần 6.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến. Tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, lượng choán nước tối đa trên 100.000 tấn, có thể mang theo tối đa 100 máy bay.

Bên cạnh đó, hàng không mẫu hạm George H.W.Bush là chiến hạm đắt nhất thế giới hiện nay. Theo ước tính, giá trị của George H. W. Bush vào khoảng 6,2 tỷ USD.

Đơn đặt hàng chế tạo USS George H.W. Bush được đưa ra vào năm 2001 và tàu bắt đầu được khởi lắp vào năm 2003. Sau khi hoàn thành thử nghiệm trên biển, ngày 10/1/2009 làm lễ biên chế tại căn cứ hải quân Norfolk, bắt đầu phục vụ chính thức cho hải quân Mỹ.

Và vào trung tuần tháng 5 năm 2011, nhóm tác chiến tàu sân bay George H.W. Bush mới nhất của Hải quân Mỹ cùng thủy thủ đoàn gần 6000 người đã rời căn cứ hải quân Norfolk để triển khai nhiệm vụ tác chiến đầu tiên.

Nhóm tác chiến tàu sân bay George H.W. Bush đã được triển khai tới Địa Trung Hải và Vịnh Persian trong vòng 5 tháng để hỗ trợ an ninh hàng hải tại vùng đảm trách của hạm đội 5 và hạm đội 6 của Hải quân Mỹ thay cho nhóm tác chiến Tàu sân bay Enterprise, khi đó đang hoạt động tại Biển Ả-rập.

Tàu Bush là tàu tiên tiến nhất trong những tàu sân bay lớp Nimitz. So với tàu sân bay Ronald Reagan CVN 76, tàu sân bay Bush đã được cải tiến mang tính thực chất và đã áp dụng nhiều công nghệ mới. Chẳng hạn, đã sử dụng hệ thống vệ sinh chân không trên biển mới, hệ thống phân phối nhiên liệu mới (cho máy bay), còn có một lượng lớn hệ thống điều khiển và vật liệu đường ống mới. Những cải tiến này sẽ làm giảm chi phí cho tuổi thọ tàu sân bay.

Do trong tương lai Mỹ sẽ thực hiện phương án thiết kế tàu sân bay hoàn toàn mới, cho nên là tàu sân bay cuối cùng thiết kế theo kiểu cũ, tàu George Bush đã thể hiện được nhiều công nghệ mới nhất. Ví như nó được sở hữu radar và thiết bị dẫn đường tiên tiến hơn, dây cáp và ăng-ten đều được lắp đặt ở bên trong, từ đó làm nổi bật hơn khả năng tàng hình; mức độ quản lý tự động hóa của nó cao hơn, thức ăn vận chuyển 1 lần trên tàu có thể cung cấp cho 6000 binh sĩ cả tàu sử dụng trong vòng 90 ngày.

Ngoài ra, với những công nghệ mới nhất hiện nay trong lĩnh vực quân sự, George H. W. Bush còn được đánh giá là loại tàu chiến thân thiện với môi trường hơn các siêu tàu chiến trước đó.


Ý kiến bạn đọc