Phát hiện 'bình sữa' thời tiền sử ở Đức

20:20, 26/09/2019
|
Những bình gốm có niên đại hàng ngàn năm vừa được tìm thấy tại Đức đã cung cấp góc nhìn hoàn toàn mới về cách người tiền sử dùng sữa để nuôi trẻ sơ sinh.
  Những chiếc bình có hình dạng giống động vật Reuters
Những chiếc bình có hình dạng giống động vật. Ảnh: Reuters
Những chiếc bình được phát hiện tại khu chôn cất trẻ nhỏ, ở bang Bavaria - đông nam nước Đức ngày nay, có niên đại khoảng 3.000-7.000 năm, theo Reuters ngày 26.9. Trong đó, một số chiếc có hình dáng giống động vật - có tai, sừng và vòi hẹp, đủ nhỏ để vừa tay em bé.
 
Các nhà nghiên cứu cho hay người tiền sử có thể đã dùng chúng để làm “bình sữa” cho trẻ sơ sinh. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 25/9.
 
Cụ thể, các nhà khảo cổ học khẳng định đã tìm thấy bằng chứng về việc người tiền sử dùng sữa động vật được thuần hóa để nuôi hoặc cai sữa cho trẻ sơ sinh.
Phát hiện ‘bình sữa’ thời tiền sử ở Đức1

Ngoài ra còn nhiều hình dạng khác. Ảnh: AFP

 

"Chúng tôi nghĩ rằng phát hiện này là bằng chứng đầu tiên cung cấp thông tin về loại thực phẩm mà trẻ sơ sinh thời tiền sử sử dụng”, Julie Dunne, nhà khảo cổ tại Đại học Bristol (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, Katharina Rebay-Salisbury thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Áo, thì cho biết: “Tôi thấy chúng rất dễ thương. Người tiền sử có thể cũng nghĩ như vậy. Những chiếc bình này có khi vừa là bình sữa, vừa là đồ chơi cho bọn trẻ, tương tự như thú nhồi bông ngày nay của chúng ta”.

Trong thời đại mà những chiếc bình này được làm ra, một phần ba trẻ sơ sinh đã chết trước năm 1 tuổi và chỉ khoảng một nửa số trẻ sống được đến tuổi trưởng thành, nhóm nghiên cứu cho biết.

"Những chiếc bình này cho chúng ta thấy được tình yêu thương và sự chăm sóc mà người tiền sử dành cho những đứa trẻ của mình", nhà khảo cổ Julie Dunne cho biết thêm.

Theo Thanh Niên