Các loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai

10:50, 24/08/2015
|

(VnMedia) - Tiêm phòng trước khi mang thai giúp phòng ngừa rất nhiều loại bệnh có thể ảnh hưởng xấu tới con bạn. Tuy nhiên, thực tế rất ít phụ nữ biết sự cần thiết của tiêm phòng trước khi mang thai. Vậy trước khi mang thai phụ nữ cần tiêm loại vắc xin nào?
 
Vắc xin Sởi - Rubella
 
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bị nhiễm Rubella sẽ lây cho thai nhi gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, tật ở tim... Do vậy, trước khi mang thai ít nhất ba tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng Rubella. 
 
Không tiêm phòng vắc xin Rubelladị cho các trường hợp: Dị ứng với thành phần của thuốc, suy giảm miễn dịch; thận trọng khi có tiền sử dị ứng trứng, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, có thai. Tránh có thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.

  Ảnh minh họa

Tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai là cần thiết. Ảnh minh họa.


 
Vắc xin Viêm gan siêu vi B
 
Viêm gan siêu vi B (VGSVB) được lây truyền chủ yếu qua các đường: từ mẹ truyền sang con, truyền máu, thực hành tiêm truyền không an toàn, quan hệ tình dục.

Theo thống kê cho thấy, nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong ba tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong ba tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10%-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong ba tháng cuối của thai kỳ. Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai. Do vậy, phụ nữ nên tiêm chủng vắc xin phòng VGSVB trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.
 
Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm phòng VGSVB nên xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm viêm gan B của chồng.
 
Vắc xin Cúm
 
Bệnh cảm cúm dễ chữa, dễ khỏi nếu bạn điều trị đúng thuốc, giữ vệ sinh trong thời gian lây bệnh. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm, đặc biệt là trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Do vậy, để phòng tránh rủi ro, chị em cần tiêm phòng cúm trước khi mang thai.
 
Phụ nữ cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai để phòng tránh những cơn cúm trong thời gian mang thai và nhất là phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong ba tháng đầu.
 
Vắc xin Thủy đậu
 
Đối với phụ nữ đang mang thai thì mối nguy hại của bệnh thủy đậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, cụ thể khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virut gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. Do vậy, trước khi mang thai phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất ba tháng sau đó mới nên có em bé.
 
Không tiêm vắc xin thủy đậu cho các trường hợp: quá mẫn với thành phần của thuốc, có thai, suy giảm miễn dịch, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, thận trọng 2 ngày trước tiêm khi bị dị ứng, co giật. Nên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.

Các xét nghiệm nên làm trước khi mang thai

– Xét nghiệm máu: Xác định tình trạng thiếu máu, nhóm máu để khi cần thiết thì truyền máu, yếu tố Rh để phòng bất đồng nhóm máu mẹ và con. Việc xác định yếu tố Rh rất quan trọng, một số trường hợp trẻ sau khi chào đời đã tử vong vì mẹ mang máu Rh.
– Xét nghiệm hóa sinh máu: Xét nghiệm đường huyết trong máu xem bạn có bị mắc bệnh đái tháo đường, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, chức năng thận.
– Xét nghiệm nước tiểu: Tìm các bất thường trong nước tiểu như máu, đạm, đường, vi khuẩn … trong nước tiểu.
– Xét nghiệm tầm soát một số bệnh có thể lây truyền qua con như viêm gan siêu vi B, C, HIV, giang mai.. để được bác sĩ tư vấn trước khi quyết định có con.
– Siêu âm ổ bụng để phát hiện bất thường ở các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.
– Chụp nhũ ảnh để phát hiện u vú nếu bà mẹ trên 35 tuổi.
– Xét nghiệm Pap Smear để phát hiện ung thư cổ tử cung.
– Điện tâm đồ, phát hiện các bệnh lý về tim.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc