90% người nhiễm virus viêm gan không có biểu hiện lâm sàng

13:05, 27/07/2015
|

( VnMedia) - Nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan virus, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định lấy ngày 28/7 hằng năm là Ngày viêm gan thế giới. Chủ đề của Ngày viêm gan thế giới năm nay là "phòng ngừa viêm gan - hãy hành động ngay".

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng; những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.

Có 5 loại viêm gan vi rút; trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể (tương tự với đường lây truyền HIV); viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự; viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân hoặc miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh. Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Ảnh minh họa



Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014 trên toàn cầu có hơn 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 130 – 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút (chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong). Vi rút viêm gan B và C là nguyên ngân gây ung thư gan hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan của một nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với vi rút viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với vi rút viêm gan C; đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi 18 - 60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi rút viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. Tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ; đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em.

Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là một nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, có đến 90% trường hợp mắc viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tiến triển thành xơ gan, ung thư gan - tức đã quá muộn. Tương tự, có đến 90% tỷ lệ người mắc viêm gan C không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có tế bào gan bị tổn thương âm thầm, trong đó có hơn 50% trường hợp sẽ chuyển thành xơ gan và ung thư.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019 với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút; tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C; dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút viêm gan trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế...


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc