Công dụng chữa bệnh kỳ diệu của cây lá bỏng

06:27, 12/05/2015
|

(VnMedia) Cây lá bỏng còn có tên khác là sống đời, trường sinh, diệp sinh căn, mọc hoang và được trồng phổ biến ở khắp nơi để làm cảnh và làm thuốc. Cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ phát triển thành một cây con.

Cây lá bỏng là một loại cây thường được trồng trong vườn nhà làm cảnh và làm thuốc. Cây cao cỡ 40 - 60cm, thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đôi, chéo chữ thập, đơn hoặc gồm 3 - 4 lá chét dầy; mép khía răng cưa tròn. Hoa màu đỏ hay vàng cam, rủ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở lá bên cạnh. Mùa hoa vào tháng 2 đến tháng 5.


Ảnh minh họa

Cây lá bỏng có thể chữa được rất nhiều bệnh. Ảnh minh họa.

Tác dụng chữa bệnh của cây lá bỏng

Lương y Ngô Viết Tài, Chủ nhiệm hợp tác xã Chùa Bộc cho biết, không chỉ tác dụng làm cảnh, cảnh lá bỏng còn có tác dụng chữa bệnh mà không phải ai cũng biết. 

Cây lá bỏng còn gọi là cây sống đời, nó được gọi là lá bỏng vì lá của nó có thể dùng làm thuốc chữa bỏng. Ngoài ra cây lá bỏng còn có tác dụng giảm sưng, giảm đau, giải rượu và chữa các bệnh viêm họng, viêm tai, trĩ, đau mắt đỏ...

Chữa bỏng: Lấy lá bỏng, rửa sạch giã ra và cho thêm một chút muối, sau đó lấy nước cốt bôi lên vết thương hoặc đắp cả bã.

Giải rượu: Khi bị say rượu dùng 10 lá bỏng rửa sạch, nhai sống rất hiệu nghiệm.

Chữa bệnh trĩ: Lấy một nắm lá bỏng nhỏ, rửa sạch nhai sống hoặc sắc uống. Nếu bị lòi dom và lở hậu môn thì có thể giã lá bỏng đắp vào búi trĩ.

Viêm họng: Lấy 10 lá rửa sạch, chia nhai sáng 4 lá, chiều 4 lá, tối 2 lá. Nhai kỹ, ngậm một lúc rồi nuốt cả bã, dùng khoảng 3 – 5 ngày sẽ có kết quả. Hoặc nhai ngậm sáng 4 lần, chiều 4 lần, tối 2 lần (mỗi lần 1 lá, đều nhai ngậm và nuốt cả bã) dùng trong 3 ngày là khỏi.

Chữa xoang: Lấy lá bỏng rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước. Sau đó lấy bông chấm vào nước bỏng và nút lỗ mũi bên viêm, ngày 4-5 lần; nếu viêm cả 2 bên, thì sáng nút 1 bên, chiều nút 1 bên. Cách này còn dùng cho người bị chảy máu cam.

Chữa chứng đại tiện ra máu: Lấy 30g lá bỏng, 10g cỏ nhọ nồi, 10g ngải cứu (sao cháy), 10g lá trắc bá (sao cháy) sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

Chữa viêm tai giữa cấp tính: Lá bỏng rửa sạch giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào tai.

Ðau mắt đỏ và đau mắt hột: Trước khi ngủ, đánh răng, nạo lưỡi sạch, nhai 3 lá bỏng (đã rửa sạch), mút bớt nước, đặt bã vào gạc vải (vô trùng) đắp vào mắt buộc chặt, sáng tháo ra, rửa mắt bằng nước pha muối. Làm như trên 3 ngày liền sẽ khỏi.

Chữa đổ máu cam: Nhai 1, 2 lá bỏng, lấy nước nhai thấm bông gòn đặt vào lỗ mũi độ 10 phút sau sẽ khỏi.

Chữa mất ngủ: Chiều và tối, ăn mỗi lần 8 lá sẽ giúp bạn ngủ tốt hơn.

Chữa mụn nhọt khi chưa có mủ: Lấy 30g lá bỏng, 15g lá đại, 20g lá táo. Rửa sạch, giã nát đắp vào mụn ngày 1 – 2 lần,  mụn sẽ khỏi dần.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc