"Giảm tải bệnh viện phải đi liền nâng cao chất lượng"

06:43, 05/03/2015
|

(VnMedia) - Chiều 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo kết quả bước đầu Đề án giảm quá tải bệnh viện với nhiều chuyển biến tích cực, đồng thời quyết tâm phấn đấu cơ bản chấm dứt tình trạng nằm ghép trong bệnh viện ngay trong năm nay.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi báo cáo của Bộ Y tế. Ảnh TTXVN.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau hai năm triển khai, với các nỗ lực về tăng giường bệnh và các giải pháp quản lý, đến nay đã có 50% số bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường.

Tình trạng quá tải khu vực khám bệnh tuyến này cũng được cải thiện đáng kể, giảm trung bình gần 50 phút/lượt khám.

Cả nước đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng ba bệnh viện tuyến trung ương. 172 khoa trong các bệnh viện tuyến này cũng đã được cải tạo, mở rộng, hoặc xây mới bổ sung gần 4.000 giường bệnh.

Theo thống kê trên địa bản cả nước, hai năm qua đã xây mới 116/1.121 bệnh viện; 1.667 khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện được xây mới, tăng 15.535 giường bệnh. Tính chung, cả nước ở cả ba tuyến bệnh viện đã tăng tỷ lệ giường bệnh thực kê đạt 28,1 giường bệnh/10.000 dân năm 2014 so với 24,7 giường bệnh/10.000 dân năm 2012.

Năm 2014, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai tới hơn 2.100 cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định, trong đó có tới 55,6% là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương, trong số này có 424 cơ sở y tế ngoài công lập (chiếm 17,1%). Thông qua đó, tổ chức khám chữa bệnh tại 10.870 trạm y tế xã, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Những ý kiến tại buổi làm việc cũng cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhất là nhu cầu vượt tuyến; mô hình bệnh tật thay đổi nhiều trong khi tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng quá tải trầm trọng như Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nhi Thành phố Hồ Chí Minh.

Chất lượng chuyên môn y tế cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, làm cho người bệnh có xu hướng tự vượt tuyến.

Có ý kiến đề nghị tăng cường xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư trong phát triển cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở ngoài công lập; khuyến khích đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa vào các phòng khám đa khoa tại các bệnh viện công lập; bổ sung máy móc, thiết bị, xây dựng cơ chế công nhận kết quả khám bệnh giữa các bệnh viện.

Giảm tải

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đảm bảo lợi ích cơ bản của người dân.

Để Đề án đạt hiệu quả tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế siết chặt quy chế chuyển tuyến, chuyển viện; tập trung tăng số giường bệnh nhất là ở các lĩnh vực nhi khoa, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch; ưu tiên đầu tư, mở rộng giường bệnh, bổ sung máy móc, thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến trung ương trong vòng 5 năm tới, đáp ứng nguyện vọng được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của người dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm căn bản tình trạng quá tải bệnh viện gắn với không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới.

Thủ tướng lưu ý ngành không chạy theo thành tích giảm quá tải, không giảm quá tải hành chính. “Phải quán triệt trong ngành là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

 Theo đó , Thủ tướng đề nghị trước hết Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã được phê duyệt và bố trí vốn, trong đó có 3 bệnh viện đã khởi công là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở hai và Bệnh viện Nhi thành phố Hồ Chí Minh cơ sở hai. Thúc đẩy để sớm khởi công các bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế lên kế hoạch các bệnh viện cần xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn ngân sách; đồng thời có các cơ chế để huy động nguồn lực để đầu tư. “Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được bệnh viện có chất lượng cao. Các đồng chí phải tính toán. Bệnh viện nào cam kết tự chủ Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế” - Thủ tướng cam kết.


Một giải pháp mang tính quyết định được Thủ tướng nhấn mạnh là để vừa giảm quá tải bệnh viện, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới. Thủ tướng đánh giá cao vừa qua đã có hàng ngàn kỹ thuật được chuyển giao song cũng bày tỏ không hài lòng vì mới chỉ có 38 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh.

“Tôi sẽ có Chỉ thị để nhắc nhở về việc này. Đây là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc. Không có lý do gì mà người dân không được tiếp cận những dịch vụ và kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà chúng ta đã có” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp khác, như mô hình bác sỹ gia đình; phát triển, mở rộng các phòng khám; hoàn thiện mạng lưới y tế xã; cải cách thủ tục hành chính, công nhận kết quả xét nghiệm của nhau; phân loại chất lượng bệnh viện; tiếp tục rà soát, kiến nghị và bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp mới để giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Thủ tướng cũng đồng ý việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện tự chủ của các bệnh viện; từ đó giảm cấp ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở y tế và dùng khoản kinh phí này để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc