Năm 2017: Bệnh sởi sẽ bị loại trừ

16:04, 22/04/2014
|

(VnMedia)  - Ngày 22/4, Bộ Y tế cho biết, hướng tới mục tiêu loại trừ sởi trước năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2017.

Loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trong lịch sử, bệnh đậu mùa đã từng được coi là một trong những căn bệnh đáng sợ của loài người bởi nguy cơ gây tử vong và biến chứng nặng ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh đã được thanh toán trên phạm vi toàn cầu vào năm 1980 sau gần 2 thế kỷ từ khi vắc xin được bào chế và gần 1 thế kỷ nỗ lực triển khai vắc xin phòng bệnh trên của tất cả các quốc gia trên toàn cầu.

Tiếp theo bệnh đậu mùa, căn bệnh bại liệt hiện đã được thanh toán tại 5/6 khu vực và bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn trước khi triển khai, mỗi năm trên toàn quốc ghi nhận hàng chục đến hàng trăm trường hợp tử vong do bại liệt và hàng trăm trường hợp bị di chứng liệt, chủ yếu là trẻ em. Trường hợp bại liệt cuối cùng xảy ra tại huyện Sông Cầu, Phú Yên năm 1997. Sau hơn 30 năm triển khai vắc xin bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên và 7 năm liên tục triển khai chiến dịch Những ngày tiêm chủng toàn quốc, năm 2000, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, Nhà nước công nhận đạt thành quả Thanh toán bệnh bại liệt. Từ năm 1998 đến nay, không còn trẻ nào bị mắc căn bệnh nguy hiểm này nữa.

Từ năm 2000 trở về trước, mỗi năm có hàng trăm trẻ mắc bệnh uốn ván sơ sinh và 2/3 trong số này bị tử vong. Đến nay, số mắc và tử vong do uốn ván sơ sinh năm 2013 đã giảm hơn 7 lần so với trước khi triển khai vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai. Sau khi được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương công nhận Loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trong 30 năm triển khai vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đã có hàng chục triệu trẻ và hàng trăm ngàn trẻ thoát khỏi tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.  Với mỗi mốc đạt được, trẻ em Việt Nam bớt đi một nguy cơ bệnh tật và tử vong. Đây không chỉ là mong ước của các bậc phụ huynh mà chính là mong mỏi của cán bộ làm công tác dự phòng các tuyến từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố để ngày càng có nhiều trẻ em được tiêm chủng phòng bệnh. Phía sau những thành quả ấy chính là những nỗ lực không biết mệt mỏi vượt lên khó khăn về địa lý, khác biệt ngôn ngữ, những thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều thử thách khác.

Loại trừ sởi trước năm 2020

 Ảnh minh họa


Hướng tới mục tiêu loại trừ sởi trước năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2017. Tổ chức Y tế thế giới  khuyến cáo tất cả trẻ em phải được tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi. Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, sẽ làm ngăn chặn sự lưu hành của vi-rút sởi, duy trì tỷ lệ đạt trên 95% trong nhiều năm liên tục sẽ dẫn đến loại trừ bệnh sởi. Vì sức khỏe giống nòi Việt Nam, thực hiện lộ trình cam kết với Tổ chức Y tế thế giới, mục tiêu Loại trừ bệnh sởi đã đặt lên vai ngành y tế trọng trách lớn. Đây vừa là một cơ hội vừa là thách thức với tất cả các tuyến.

Để đạt được mục tiêu này Việt Nam cần chứng minh trong 36 tháng liên tiếp không có vi rút sởi lưu hành trên phạm vi toàn quốc trong khoảng thời gian 12 tháng liên tục với điều kiện hệ thống giám sát sởi hoạt động tốt.

Tiêm chủng thường xuyên mũi thứ nhất vắc xin sởi hàng năm đạt trên 95% trên phạm vi toàn quốc song chỉ có 80% số huyện đạt tiêu chí này. Từ năm 2006, mũi thứ hai vắc xin sởi được đưa vào chương trình TCMR để tiêm cho trẻ em 6 tuổi. Tuy nhiên từ năm 2011, lịch tiêm mũi thứ hai đã được điều chỉnh cho trẻ 18 tháng tuổi nhằm giảm sự tích lũy đối tượng cảm nhiễm sau mũi thứ nhất thì tỷ lệ tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi giảm xuống dưới 90%. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tiêm chủng bổ sung đã được triển khai đạt tỷ lệ trên 95%. Hơn 15 triệu trẻ 9 tháng đến 10 tuổi trên toàn quốc và trên 4 triệu đối tượng từ 9 tháng đến 20 tuổi tại 18 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đã được tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi trong các năm 2002-2003 và 2007-2008. Năm 2010, chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi cho trẻ 1-5 tuổi đã được thực hiện cho trên 7 triệu trẻ.

Cũng như Thanh toán bệnh bại liệt, Loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, tiến trình này là chặng đường dài đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của cán bộ y tế, sự ủng hộ, đầu tư của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo sát sao của ngành y tế, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể.

Mặc dù dịch sởi không còn xảy ra hàng năm, khoảng cách giữa các vụ dịch sởi dài hơn, số mắc sởi năm 2012 giảm hơn 800 lần so với năm 1984 song so với tiêu chí Loại trừ sởi vẫn còn tồn tại những khoảng cách.

Dịch sởi vẫn xảy ra ở một số năm do tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu, công tác giám sát sởi còn cần được các địa phương chú trọng hơn nữa. Một số bậc cha mẹ e ngại trước các trường hợp phản  ứng sau tiêm nên đã không đưa con đi tiêm chủng.

Các vụ dịch sởi xảy ra là lúc cho chúng ta nhìn nhận những điểm tồn tại, những thách thức giúp cho ngành y tế định hướng sát hơn, phấn đấu vì một mục tiêu chung: bảo vệ sức khỏe trẻ em Việt Nam. Sắp tới đây, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phối hợp sởi – rubella với quy mô lớn cho khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc được tổ chức trong thời gian từ quý IV/2014 – quý II/2015. Sau chiến dịch các khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ em, nhóm đóng vai trò quan trọng trong lây nhiễm vi rút sởi đồng thời bảo vệ trẻ khỏi bệnh rubella và các biến chứng nguy hiểm của hội chứng rubella bẩm sinh. Đây là cơ hội giúp Việt Nam khống chế bền vững bệnh sởi, cắt đứt sự lây truyền của vi rút sởi để tiến gần hơn tới mục tiêu Loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.   

Vì sức khỏe con em mình, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi lúc 9 và 18 tháng tuổi tại các trạm y tế xã phường và các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc