Có nên tiêm viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh?

12:25, 23/07/2013
|

(VnMedia)  - Sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, người dân và đặc biệt là sản phụ thấy rất hoang mang và băn khoăn rằng có nên cho con tiêm gan B ngay sau khi sinh?

 

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan

 

Ung thư gan là căn bệnh đáng sợ vì diễn tiến rất thầm lặng, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì nên không được chẩn đoán và điều trị sớm. Nhưng khi có biểu hiện rõ thì thường đã quá muộn và hiệu quả điều trị kém. Theo các chuyên gia, ung thư gan không phải hiếm gặp mà là một loại ung thư thường gặp, diễn tiến tới tử vong rất nhanh, thường trung bình chỉ từ 1 đến 6 tháng sau khi phát hiện bệnh nếu không được điều trị.

 

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới: 20% (một phần năm dân số). Bệnh viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan. 25% bệnh nhân mắc phải siêu vi B sẽ đi vào biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B.

 

Ở trẻ em Việt Nam , tỷ lệ bị mắc viêm gan B vào khoảng từ 13-18%. Chủ yếu các em bị lây nhiễm theo chiều từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ.


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


 

Sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin viêm gan B sau sinh

 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay trong vòng 24h đầu sau sinh là rất cần thiết, bởi nếu tiêm sớm hiệu quả bảo vệ càng cao. Việc tiêm sớm càng có ý nghĩa hơn khi tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B tại Việt Nam khá cao, 10-20% dân số.

 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, sẽ phòng được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh. Trong khi nếu mẹ có virus viêm gan B, thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau đó. Khi đó, việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

 

Việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO đánh giá vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc xin an toàn, không có chống chỉ định, có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân... cũng có thể tiêm được.

 

Có nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ?

 

Sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc xin có nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sau khi sinh, có ý kiến cho rằng để trẻ tròn 1 tháng tuổi, khi trẻ đã cứng cáp hơn, cha mẹ có thể tự đưa trẻ đi tiêm vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên, có ý kiến cho rằng nên lùi thời gian tiêm mũi đầu tiên viêm gan B cho trẻ, không nhất thiết phải tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh.

 

Trong khi có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người dân đặc biệt là các là sản phụ thấy rất hoang mang và băn khoăn rằng có nên cho con tiêm gan B ngay sau khi sinh?

 

Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) cho biết, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ là việc làm cần thiết bởi đã được nghiên cứu và Tổ chức Y tế thế giới đã thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam phải thực hiện đúng quy trình trong vòng24 giờ sau khi sinh, bởi tạo cho trẻ con hiệu quả miễn dịch cao.

 

Quá trình nghiên cứu, rất nhiềunghiên cứu trên thế giới, người ta mới đưa ra khuyến cáo là nên tiêm cho các cháu trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

 

Trong khi người dân hết sức hoang mang lo lắng bởi không biết có nên tiếp tục tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sau khi sinh hay không, tiêm ở đâu thì an toàn, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ gặp tai biến sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh trước khi đưa con đi tiêm chủng cần tìm hiểu kỹ để biết được lợi ích cũng như các tác dụng phụ và tai biến có thể xảy ra khi tiêm chủng. Thứ hai, cần biết lịch tiêm chủng để có thể cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời hạn (tác dụng phòng bệnh đạt hiệu quả cao hơn) và các trường hợp trì hoãn hoặc không có chỉ định tiêm chủng. Thứ ba, khi cho trẻ đi tiêm chủng phải bảo đảm trẻ không có vấn đề gì về bệnh tật, sức khỏe (nếu có thì cần được tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm phòng).

 

Cũng theo PGS.TS Phạm Nhật An, để phòng tai biến nguy hiểm có thể xảy ra sau tiêm chủng, tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc và trang thiết bị xử lý tai biến. Trẻ sau tiêm chủng cần được theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các tai biến và điều trị kịp thời.

     

Theo ước tính của WHO, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1-2 trong một triệu liều, rất thấp trong khi các loại vắc-xin khác tỷ lệ có thể lên tới 2-5 trên triệu liều. Tiêm vắc xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3-9%), sốt trên 37,7 độ C và sốc phản vệ nhưng chỉ khoảng 1/600.000 liều.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc