Được và mất của hôn nhân đồng tính

07:33, 15/03/2013
|

(VnMedia) - Người đồng tính hiện nay đã không còn xa lạ với xã hội. “Coming out” là chỉ những người dám công khai giới tính thật của mình với gia đình, “double gay” là dùng chỉ những cặp gay yêu nhau, sống cặp với nhau như vợ chồng.

Dễ đến - Dễ đi

Tình yêu đồng tính, vốn dễ xuất hiện, thường thiếu sự ràng buộc vững chắc và nền tảng của môi trường xung quanh. Những người đồng tính thường đến với nhau dễ dàng hơn bình thường, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của Internet, các tụ điểm sauna, quán café dành cho gay, hồ bơi, công viên… Gặp mặt và tìm kiếm một người bạn “hợp tính” trong thế giới này đã không còn là một điều quá khó, cái khó là làm sao để nhận ra được đó là thứ tình yêu đích thực mà ta hằng mong đợi, hay đó chỉ là một ngộ nhận và dễ dãi trong tình cảm để rồi đón nhận một kết cục “không đi đến đâu” mà chắc hẳn trong giới gay ai cũng biết.

“Easy come, easy go” là thành ngữ như một câu cửa miệng quen thuộc và luôn luôn… đúng. Những gì đến dễ dãi sẽ không tồn tại bền lâu, nhưng thỉnh thoảng chúng ta đã “giả vờ” quên nó đi, để chấp nhận một tình yêu dễ dãi, bằng phẳng và gấp gáp, đó mới chính là cội nguồn của những nghi kỵ và sự thiếu chung thủy, chứ không phải tình yêu.

Duy trì tình cảm đồng tính dễ hay khó?

“Nhiều người cho rằng gay thường hay trăng hoa, ong bướm và dễ thay đổi, nhưng điều này nên nghĩ dưới nhiều góc độ và nhiều mức độ khác nhau. Những cuộc tình đồng tính đổ vỡ, ngoài những nguyên nhân khách quan như định kiến xã hội, rào cản gia đình thì sự không chung thủy vẫn là nguyên nhân chính. Ở đây tôi muốn nói đến “tình yêu thực sự”. Vì nếu có yêu thực sự thì họ sẽ tìm ra cách, còn không yêu họ sẽ tìm ra lý do. Chuyện người mình yêu có xao động trước một người bạn mới quen hấp dẫn hơn mình chỉ là những ấn tượng thoáng qua, nó sẽ mờ nhạt đi rất nhiều ngay sau đó, còn những thứ đã được xây dựng từ trước chắc chắn sẽ có một vị trí nhất định không thể thay thế được.

Tôi tin trong tình yêu đồng giới dù có mỏng manh thế nào vẫn có sự chung thủy tiềm ẩn trong nội tại” - Bảo Phong, 25 tuổi, một thành viên trong dự án MSM, TP.HCM tâm sự. Tuy nhiên, trái ngược với niềm tin của Bảo Phong thì Thịnh Phạm, chuyên gia trang điểm khẳng định: “Đó là tình yêu không bền vững. Không có sự chung thủy, mau thèm, chóng chán”. “Tình yêu trong thế giới của những người đồng tính đúng là cũng có những vui, buồn, những mâu thuẫn phát sinh và chỉ khác nhau ở chỗ họ chỉ biết yêu để thoả mãn cho thực tại và hầu hết không có định hướng cho tương lai.” Đình Thư, thành viên trong dự án HIV, TP.HCM đồng tình.

Ảnh minh họa

Một “gia đình đúng nghĩa là những gì double gay tìm kiếm (Ảnh minh họa)

Yêu cầu gay phải yêu nhau chung thủy, điều đó có “làm khó” cho họ?

Dù có xu hướng tình dục nào thì vẫn có người chung thủy mặc dù người yêu của họ thì không. Tuy nhiên, trong giới này họ có quan niệm là không có mối quan hệ ràng buộc như một gia đình thực thụ nam - nữ. Nói về sự chung thủy trong thế giới của những người đồng tính thì chúng ta chỉ nhìn nhận được ở một số rất ít trong một quần thể khá rộng lớn, có chăng họ chỉ chung thủy trong cảm xúc tình yêu chứ không chung thủy trong tình dục. Tại sao người đồng tính lại ít chung thủy? Vì giữa hai người con trai yêu nhau họ không có gì ngoài sự tin tưởng lẫn nhau, yêu thương chia sẻ. Sự chung thủy chỉ ở một mức độ nào đó, rất thấp. Mâu thuẫn phát sinh trong tình yêu của giới gay phần nhiều là do ghen tuông, không hiểu nhau, còn tình yêu nam - nữ thì còn có nhiều phức tạp hơn, như: con cái, nội ngoại...

Với những phân tích trên thì cuối cùng, Gay có chung thủy?

Câu trả lời chắc chắn là có. Gay chung thủy, chúng ta chung thủy, một khi đã yêu thực lòng. Tình yêu xuất phát từ con tim, không ràng buộc, không toan tính, thứ tình yêu mang tính bản năng chứ không vụ lợi để thực hiện một mục đích nào khác. Thứ tình yêu không đổi chác và “nguyên thủy” sẽ là câu trả lời rõ nét. Những ai yêu nhau hời hợt, bị cám dỗ níu kéo sớm muộn cũng tan vỡ. Yêu nhau, tin tưởng nhau, cùng nhau bước đi trên con đường chông gai, đối diện với chính mình, với xã hội và với gia đình đề cùng nhau xây dựng, vun đắp một gia đình.

Tình yêu trong giới gay không khác gì so với bình thường, chỉ điều kiện là khác. Người đồng tính thường bi quan về tương lai của chính mình nên dễ nảy sinh những ý nghĩ “tạm bợ”, có đôi lúc yêu chỉ để là yêu cho qua ngày đoạn tháng, cho hết tuần này, cho qua mùa lễ, cho hết Noel, Lễ tình nhân, cho đỡ đơn côi trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc đời. Họ vô tình quên, chân lý và mục đích cuối cùng của tình yêu bao giờ cũng phải là sự… vĩnh cửu. Mặc dù sự vĩnh cửu dường như không - có - thật, chỉ có những người yêu nhau và tin vào sự vĩnh cửu mới có thể giữ lửa cho tình yêu bền vững. Còn nếu cứ giữ những ý nghĩ tạm bợ thì sao có niềm tin để tiếp tục yêu nhau?

Nhận diện “hôn nhân” đồng tính

Hiện nay, hai người nam thuê nhà sống chung là chuyện bình thường, nhất là ở các thành phố lớn có lượng người lao động nhập cư cao. Làm sao để nhận diện đâu là double gay, đâu là hai gã con trai? Con trai sinh hoạt thì khỏi nói rồi; bề bộn, lộn xộn và hơi ở dơ một tí, nhưng nói như vậy không có nghĩa là con trai nào cũng như thế. Còn double gay, nhìn vào cách sinh hoạt của họ giống như một gia đình, gọn gàng, tổ chức gia đình như nấu ăn, chăm sóc cho nhau tinh tươm hơn… Hồ Phú, 23 tuổi, chủ một quán cà phê ở Q.10 cùng “chồng” - Thanh Bình, 30 tuổi - giám đốc điều hành một trang web bán hàng qua mạng mở lòng: “Quán này hai “vợ chồng” em coi như một đứa con, chiếc cầu nối để hai đứa sống có trách nhiệm hơn. Tụi em sống với nhau cũng được hơn 5 năm rồi.

Ngày trước anh ấy cũng nghi ngờ em lợi dụng này nọ, thử thách đủ thứ hết. Sau đó tin rồi mới sống chung như thế này đó anh”. Phú hãnh diện khoe công việc mà cậu thích nhất là sáng dậy sớm mua đồ ăn sáng, dùng điểm tâm xong thì “anh xã” chở cậu ra quán rồi đi làm. Chiều thì cậu tranh thủ về nhà nấu cơm, chiều tối hai người cùng nhau ăn, rồi lại ra trông quán. Thỉnh thoảng cặp đôi này rủ mấy người bạn đi ăn, uống cà phê, xem phim. Một cuộc sống gia đình khá… phẳng lặng.

Thanh Bình, “anh xã” Phú lên tiếng: “Nhân viên trong quán chắc cũng biết, mới đầu cũng ngại ngại nhưng rồi việc ai nấy làm, mình là chủ cho ra dáng ông chủ. Gay hay là ai thì cũng phải kiếm tiền mà”. Theo như tiết lộ của Bình thì ngày đó hai người gặp nhau trong một nhóm bạn chơi chung. Mới đầu họ cũng định cặp cho vui thôi chứ “tình cảm của mấy người gay này chẳng đi tới đâu”. Nhà Bình ở Nha Trang, nhà Phú ở miền Tây, rồi thời gian gặp gỡ thường xuyên thấy hợp tính nhau, muốn có nhiều thời gian chăm sóc nhau nên họ quyết định sống chung.

Gia đình của hai người có biết không? - Tôi hỏi.- Gia đình Phú thì biết, cậu ấy coming-out rồi, còn nhà mình thì không nói gì, chắc cũng biết, hai đứa sống với nhau năm năm rồi mà. Mẹ mình lâu lâu vô thăm, mới đầu Phú còn qua nhà bạn tá túc vài ngày. Sau này thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Anh chị mình có nói chuyện sao chưa lập gia đình, mình ậm ừ cho qua. Mà anh chị cũng có gia đình riêng, đâu có thời gian lo cho mình, chỉ có Phú. - Bình chùng giọng.

Đôi bạn Bình - Phú chỉ là một trong số rất nhiều “cặp mẫu” double gay tại Việt Nam. Có nhiều đôi được gia đình tán thành, nhưng cũng không ít “gia đình” phải sống “lén lút”. Tựu trung một điều, ở những cặp đôi này sự yêu thương, san sẻ niềm hạnh phúc với nhau như bất cứ ai khác. Mặc dù vậy, chưa bao giờ họ có được niềm vui trọn vẹn bởi không phải ai cũng có thể chia sẻ. Ngay cả người thân còn chưa mở lòng, mong gì xã hội chấp nhận. Cũng dễ thông cảm, vì các phương tiện truyền thông hiện nay chỉ tập trung khai thác vào mảng tối của gay; đó là sự vụ lợi, lừa lọc, những vụ án nghiêm trọng với thủ phạm là người đồng tính nên cái nhìn của xã hội khó có thể lạc quan hơn. Đó là những cặp “vợ chồng” gay sống với nhau nhưng không định hướng, chỉ lao vào nhau như con thiêu thân nên nhanh chóng tan rã. Nhưng vẫn còn đó những con người “không may do số phận” tự tìm đến với nhau, chẳng cần công nhận cũng không cần lời chúc phúc, họ đã cùng nhau làm cuộc sống mình ý nghĩa hơn.

Đã là vợ chồng ai cũng có những giận hờn, ghen tuông, vui vẻ và hạnh phúc… Double Gay cũng thế, mọi điều xảy ra trong đời sống vợ chồng dị tính như thế nào thì với gay cũng chẳng khác. Và dù bạn có là ai thì trong cuộc sống đều cần một điểm tựa, một nơi để quay về. Gia đình, đó là nơi chúng ta quay về sau những chặng đường dài bôn ba, vất vả mưu sinh. Mưu cầu hạnh phúc là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người, cho dù bạn là đàn ông, đàn bà, gay hay les. Tình yêu, gia đình, hạnh phúc là những điều mà suốt đời mỗi người tìm kiếm. Đó mới chính là ý nghĩa của cuộc sống…


Song Nam

Ý kiến bạn đọc