Hà Nội: Bổ sung phương tiện chống rét cho người bệnh và nhân viên y tế

07:07, 28/01/2016
|

(VnMedia) - Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên tục trong mấy ngày gần đây nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, đặc biệt một số địa phương vùng núi như huyện Ba Vì đã có tuyết rơi khiến cho người già và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao. Trước tình hình này nếu các cơ sở Y tế không đảm bảo phòng chống rét sẽ ảnh hưởng đến chăm sóc và điều trị cho người bệnh và ngay cả sức khỏe của nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác chống rét cho người bệnh và nhân viên y tế tại các bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho thấy các bệnh viện đều được trang bị điều hòa, quạt sưởi, chăn, đệm, người bệnh được cấp quần áo ấm. Riêng Bệnh viện đa khoa Đức Giang có hệ thống điều hòa trung tâm nhưng với các phòng đặc biệt như chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, phòng đẻ, khoa hồi sức tích cực được bổ sung thêm quạt sưởi.

Tuy vậy, tại các bệnh viện được kiểm tra vẫn chưa làm tốt việc phòng chống rét cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Tại khu vực khoa khám bệnh, khu vực bệnh nhân ngồi chờ chưa có lò sưởi và quạt sưởi, ghế ngồi chờ bằng inox rất lạnh nhưng chưa được bổ sung nệm để người bệnh ngồi; khu vực hành lang của các khoa, phòng vẫn chưa chú ý khép cửa thường xuyên để tránh gió lùa.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn bổ sung thêm quạt sưởi, lò sưởi và đóng kín cửa ở các hành lang của bệnh viện. Hiện tại, hai bệnh viện đã khắc phục những tồn tại đảm bảo sức khỏe của người bệnh và của nhân viên y tế. Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng khắc phục ngay sự chênh lệch nhiệt độ giữa phòng khám, phòng bệnh với khu vực hành lang ngoài phòng bệnh tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là người già và trẻ em.

Dự báo tình hình rét đậm, rét hại còn tiếp tục diễn ra trên địa bàn thành phố và có khả năng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Đồng thời đáp ứng đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, cúm, viêm đường hô hấp cấp…và tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống rét cho người dân, cảnh báo người dân về các tai nạn ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong, trẻ em bị ngạt thở do ủ ấm quá kín…

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.
TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang

Chủ động phòng chống dịch bệnh trong dip Tết

Theo ghi nhận tại các bệnh viện, do thời tiết buốt giá, mưa liên tục, nhiệt độ xuống thấp khiến trẻ em, người già mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch tăng đột biến. 

Theo thống kê tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhi tới khám tăng so với ngày thường. Các bác sĩ cho biết, hiện số bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, trong đó, nhiều trẻ bị viêm phổi vì nhiễm lạnh. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh về huyết áp, tim mạch, tai biến tăng đáng kể, đặc biệt là người lớn tuổi.

Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp tết.

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Bên cạnh đó, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Đồng thời, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…); Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa; Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Ý kiến bạn đọc