Biến chứng đáy mắt của bệnh đái tháo đường

09:59, 25/01/2016
|

(VnMedia) - Biến chứng đáy mắt của bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường, gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Võng mạc (còn gọi là đáy mắt) là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực hoặc mù lòa ở các nước phát triển. Tại Việt nam hiện nay bệnh võng mạc đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây giảm thị lực hay gặp ở các phòng khám chuyên khoa mắt.

Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra trong 90% các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm, bất kể đái tháo đường phụ thuộc Insulin hay không. Trên thế giới có trên 285 triệu người mắc đái tháo đường (2010) ước tính lên 439 triệu người mắc bệnh (2030).

Bác sỹ chuyên khoa mắt – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hàng năm có khoảng 1,8 triệu người mù do bệnh võng mạc đái tháo đường, còn ở Việt Nam khoảng 4,5 triệu người mắc, trong đó có khoảng 20% những người mắc tiểu đường có biến chứng ở mắt với các mức độ khác nhau. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, glocom tân mạch… dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng

Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy gì bất thường. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp:

- Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
- Nhìn mờ
- Hình ảnh dao động
- Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
- Mù
- Mất cảm nhận màu sắc

Nguyên nhân của bệnh võng mạc đái tháo đường

Nguyên nhân chính là tăng glucose huyết. Tăng glucose huyết làm tổn thương mạch máu, có thể gây tắc mạch.

Các yếu tố nguy cơ khác của tổn thương võng mạc:

- Thời gian bị bệnh đái tháo đường, bệnh càng lâu, càng có nguy cơ bị biến chứng ở đáy mắt.
- Glucose huyết không ổn định.
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol máu
- Có thai
- Hút thuốc lá

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi nào bệnh võng mạc đái tháo đường có thể gây mù hoặc giảm thị lực?

- Phù hoàng điểm
- Xuất huyết trong thể kính: nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được.
- Bong võng mạc, bong hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn
- Tăng nhãn áp: có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường?

- Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng.
- Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường không có triệu chứng do đó các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách:
- Chỉ định khám đáy mắt mỗi năm ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, chỉ định khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán.
- Nếu glucose huyết ổn định tốt, huyết áp không cao, không có bất thường mỡ máu, bác sĩ có thể quyết định khám lại đáy mắt sau 2-3 năm.
- Nếu bệnh nhân đái tháo đường, cần khám đáy mắt thường xuyên vì thai kỳ dễ làm tổn thương mạch máu ở đáy mắt.

Biện pháp phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường

- Ổn định glucose huyết tốt, luyện tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn, uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều trị tốt huyết áp, giảm muối trong khẩu phần.
- Điều trị tốt rối loạn chuyển hóa lipid.
- Ngưng hút thuốc.
- Khám đáy mắt
- Khám đáy mắt được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa ĐTĐ. Để nhìn rõ đáy mắt, bác sĩ sẽ nhỏ 1 loại thuốc để làm dãn đồng tử (con ngươi), bệnh nhân sẽ nhìn mờ một thời gian do đó khi đi khám đáy mắt nên có người đi cùng và không nên tự lái xe.

Đôi khi bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu chụp mạch máu đáy mắt bằng thuốc phát huỳnhquang, sau đó nước tiểu bệnh nhân sẽ có màu vàng trong một thời gian ngắn.

Các giai đoạn của bệnh  võng mạc đái tháo đường 

Bệnh lý võng mạc nền

Đây là giai đoạn sớm của bệnh lý võng mạc do đái tháo đường với những tổn thương như phình mao mạch võng mạc, xuất huyết nhẹ, ứ đọng các chất tiết trong võng mạc, phù võng mạc.

Bệnh lý giai đoạn này chưa tổn thương chưa vào vùng hoàng điểm thì chưa gây giảm thị lực. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cảm thấy các bất thường về thị giác như nhìn thấy các điểm đen trước mắt, hoặc cảm giác về màu sắc thay đổi…Cần theo dõi và điều trị khi có tiến triển xấu, ảnh hưởng đến chức năng thị giác.

Bệnh lý hoàng điểm do đái tháo đường

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây giảm thị lực ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là thể bệnh không phụ thuộc insulin, từ 50 – 70 tuổi. Hoàng điểm (nơi tập trung thị lực cao nhất của mắt) bị phù, có khi tạo thành nang, hoặc kèm theo tổn thương thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ.

Khi đã xuất hiện bệnh lý hoàng điểm với biểu hiện thị lực giảm sút nhiều, bệnh nhân cần được khám mắt và điều trị laser ngay để hoàng điểm được hồi phục sớm.

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường tiền tăng sinh:

Tổn thương ở võng mạc giai đoạn này gây nên bởi sự bất thường cung cấp máu cho võng mạc, dẫn đến các tổn thương thiếu máu cục bộ, xuất huyết, xuất tiết và phù võng mạc. Nếu các tổn thương này chưa xâm phạm đến vùng hoàng điểm thì bệnh nhân chưa nhận thấy giảm thị lực. Do vậy, mặc dù các tổn thương trên võng mạc đã khá nặng nề mà bệnh nhân vẫn chưa nhận biết thấy nên thường không đi khám và điều trị.

Vi phình mạch, xuất tiết, xuất huyết võng mạc

Tổn thương ở giai đoạn này nếu đe dọa chức năng thị giác, hoặc gây thiếu máu cục bộ nặng cần chụp đáy mắt huỳnh quang và laser quang đông các vùng tổn thương để phòng biến chứng.

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường giai đoạn tăng sinh.

Bệnh lý giai đoạn này gây ra bởi sự tăng sinh các tân mạch bất thường, gây xuất huyết tái diễn liên tục, gây tổ chức hóa và co kéo dịch kích võng mạc. Hậu quả là tổn thương nặng võng mạc, rách hoặc bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Một hậu quả khác thường gặp là gây nên thể bệnh glôcôm tân mạch, đau nhức trường diễn, cực kỳ khó điều trị.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh

Bệnh nhân ở giai đoạn này cần được laser quang đông toàn bộ võng mạc cấp cứu. Diễn biến của giai đoạn này rất nhanh và nặng, đặc biệt khi bệnh đái tháo đường không được điều trị triệt để.


Ý kiến bạn đọc