Sự thật về que thử phát hiện nhanh ung thư

07:35, 17/12/2015
|

(VnMedia) - PGS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K khẳng định, các chất chỉ điểm u ít có ứng dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vì độ đặc hiệu thấp, có thể tăng trong các bệnh lý lành tính. Âm tính không có giá trị phủ định bệnh và dương tính cũng không có giá trị khẳng định bệnh.

Ngày 16/12, ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) vừa đề nghị các Sở Y tế thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm phát hiện nhanh các chất chỉ điểm một số loại ung thư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, các sản phẩm này chỉ dùng để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư. “Để chẩn đoán ung thư người bệnh phải đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, huyết học, hình ảnh, tế bào học và mô bệnh học” - ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian qua báo chí có đăng tải các bài báo phản ánh việc kinh doanh, sử dụng, quảng cáo mặt hàng sản phẩm phát hiện sớm một số loại ung thư. Tuy nhiên, qua rà soát, xem xét dữ liệu hồ sơ đăng ký sinh phẩm chẩn đoán in-vitro lưu tại Bộ Y tế cho thấy, hiện nay Bộ chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm thanh thử để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư là Bioline AFP và SD Bioline CFA  do Hàn Quốc sản xuất, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh đăng ký.

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế thanh tra, kiểm tra các cơ sở đang kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các mặt hàng này trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền và cung cấp thông tin đến cộng đồng để người dân tránh hiểu không đúng về giá trị thực của các sản phẩm trên.

Hiện nay, ngoài 2 sản phẩm trên, trên thị trường có nhiều loại que thử y tế khác được quảng cáo có khả năng phát hiện ung thư cho kết quả chính xác đến 99,5%. Cụ thể, các sản phẩm này phát hiện ung thư vú, đại trực tràng, vú, phổi, tuyến tụy nhờ chỉ số CEA; ung thư gan nhờ chỉ số AFP và ung thư tuyến tiền liệt với chỉ số PSA.

CEA, AFP, PSA là những chất chỉ điểm u nhưng các chất này ít có ứng dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vì độ đặc hiệu thấp, có thể tăng trong các bệnh lý lành tính.

Dù vậy, PGS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K khẳng định, các chất chỉ điểm u ít có ứng dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vì độ đặc hiệu thấp, có thể tăng trong các bệnh lý lành tính. Âm tính không có giá trị phủ định bệnh và dương tính cũng không có giá trị khẳng định bệnh.

Theo phó giáo sư Thuấn, PSA và AFP là 2 trong số rất ít các chỉ điểm u có thể sử dụng tham gia chẩn đoán ban đầu tuy nhiên phải kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác như nội soi, chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học. Lý do là PSA cũng tăng trong các bệnh tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến và viêm tuyến tiền liệt. Tương tự AFP cũng tăng trong một số bệnh lý gan mật lành tính như xơ gan, viêm gan do virus.


Ý kiến bạn đọc