Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa đông

10:13, 02/12/2015
|

(VnMedia) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong mùa đông xuân thường xuất hiện những dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bao gồm bệnh liên cầu khuẩn lợn, cúm, cúm gia cầm, tay chân miệng, sởi, Rubella và bạch hầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhằm phòng tránh các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là thời điểm mùa đông xuân với những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 1/12, Cục Y tế đã họp báo nhằm truyền thông cho công tác phòng chống dịch.

Nhận định về điều kiện thời tiết cũng như sự biến đổi khí hậu trong năm 2015, TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình dịch bệnh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của những căn bệnh mới nổi như: MES-CoV, Ebola…

TS Bắc nhận định, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, bởi vậy tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ gia tăng, đặc biệt là trong mùa đông xuân và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Hiện nay ngoài những căn bệnh đang có những diễn biến phức tạp như: tay chân miệng, cúm mùa, sốt xuất huyết ….thì một số căn bệnh từ lâu không xuất hiện nay đang có chiều hướng quay trở lại như bạch hầu, ho gà…

Đối với bệnh liên cầu khuẩn lợn, tính đến tháng 11/2015, cả nước ghi nhận 82 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn, 10 ca tử vong. Trong 3 tháng (từ tháng 8 đến 10), đã có 5 ca tử vong trong tổng số 32 ca mắc mới. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, hai trong số đó đã tử vong là bệnh nhân ở Mỹ Đức và Hà Đông.

Mới đây nhất, giữa tháng 11/2015, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hai ca (quê ở Ba Vì, Hà Nội) mắc liên cầu khuẩn lợn nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày rất nguy kịch và phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu.

Theo TS Trương Đình Bắc, bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa đông xuân vì cuối năm theo phong tục tập quán là giết lợn ăn tết, lễ hội. Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người, không thành dịch nhưng bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: các sản phẩm như tiết canh, nem chua, nem chạo, nội tạng động vật, thịt lợn tái là những thực phẩm có nguy cơ cao gây nhiễm liên cầu lợn, người dân không nên ăn; khi lợn ốm không ăn thịt; mua thịt phải chọn thịt lợn tươi ngon...

Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc, điều trị kịp thời; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắcxin phòng đối với các bệnh đã có vắcxin; tổ chức tiêm phòng vắcxin chống dịch, nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%.

Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm; phối hợp với các ban, ngành đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc theo dõi sức khỏe của học sinh tại các cơ sở đào tạo, thường xuyên vệ sinh nhà trẻ, lớp học, phát hiện sớm và cách ly kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra…


Ý kiến bạn đọc