"Già hoá dân số" ở Việt Nam nhanh nhất thế giới

09:45, 03/12/2015
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2015 (26/12) với chủ đề: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”.

Theo dự báo từ năm 2009 của Tổng cục Thống kê, đến năm 2017-2018, Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, tức là số người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% dân số. Tuy nhiên, con số này đã hiện hữu ở nước ta từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, ở các nước phát triển, để đạt được 7-14% số dân trên 65 tuổi (giai đoạn già hóa dân số) cần thời gian ít nhất vài chục năm, thậm chí là 100 năm. Nhưng ở Việt Nam, quá trình này chỉ diễn ra từ 17-18 năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế xã hội Việt Nam có những bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, hệ thống y tế cũng phát triển hơn. Tuy nhiên, 68% người cao tuổi sinh sống ở nông thôn, là nông dân. Đời sống, tích luỹ vật chất của người cao tuổi còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam đã thực hiện thành công công tác KHHGĐ, trong đó số trẻ em sinh ra giảm nhanh khiến tỉ trọng người cao tuổi tăng. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, số người trên 60 tuổi ở nước ta có thể đạt 30 triệu người, chiếm 1/5 dân số.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế - xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, toàn xã hội hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, người cao tuổi là những người năng động và có ích cho xã hội, họ vẫn có thể mang lại những đóng góp lớn lao cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Theo đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ, số người cao tuổi tăng là một thành tựu vì nó khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân được nâng cao. Đặc biệt, người cao tuổi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi số người cao tuổi tăng thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng tăng cao, nhất là khi nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỉ trọng những người có bệnh là người cao tuổi cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (tức là một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, phải chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên.

Bên cạnh đó, khi người cao tuổi tăng thì làm thế nào để đảm bảo an toàn, ổn định đối với các quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế..., với những người cao tuổi không thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình thì làm thế nào để có được mô hình phù hợp trong điều kiện người cao tuổi có thể đáp ứng được... không phải là chuyện dễ dàng.

Trước những cơ hội và thách thức trên, ngành dân số đã chọn thông điệp “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” làm chủ đề cho Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Từ đó, nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, để hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đồng thời, chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số của Việt Nam.


Ý kiến bạn đọc