Cho mượn và sử dụng thẻ BHYT của người khác đều bị xử phạt

15:38, 16/12/2015
|

(VnMedia) - Hiện nay, nhiều người không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng khi bị bệnh thì đi mượn thẻ của người khác để khám chữa bệnh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cả người cho mượn và người mượn đều bị xử lý theo quy định.

Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT của chủ thẻ sẽ bị tạm giữ thẻ trong thời hạn 30 ngày. Trong thời gian trên, người cho mượn thẻ không được hưởng quyền lợi BHYT.

Theo đó, hiện nay nhiều người không tham gia BHYT nhưng mỗi khi đi khám hoặc chữa bệnh lại đi mượn thẻ của người khác. Thực tế trên đang gây thất thoát cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, bởi người không tham gia BHYT thì mức phí phải chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh phải cao hơn so với người có bảo hiểm.

Về vấn đề này TS Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ: “Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ”. Hành vi cho mượn thẻ BHYT là vi phạm pháp luật.

Điều 21 Nghị định 92/2011/NĐ-CP quy định rõ: “Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT của chủ thẻ sẽ bị tạm giữ thẻ trong thời hạn 30 ngày. Trong thời gian trên, người cho mượn thẻ không được hưởng quyền lợi BHYT. Quỹ bảo hiểm chỉ hoàn trả thẻ và chi trả phí khám chữa bệnh khi người vi phạm đã nộp phạt theo quy định. Người sử dụng thẻ BHYT của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả (nếu có).

Mặt khác, những trường hợp cho và mượn thẻ BHYT trong quá trình khám chữa bệnh nếu xảy ra các tai biến, biến chứng hoặc bệnh nặng dẫn tới tử vong sẽ dẫn đến những phiền toái liên quan đến pháp lý và thủ tục tư pháp trong việc khai tử.

Để đảm bảo sự công bằng xã hội giữa người tham gia bảo hiểm y tế và người không tham gia, ông Khảm đề nghị cộng đồng tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ khi đi khám chữa bệnh để tránh bị “vạ lây”. Bên cạnh đó, đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế cũng đề nghị các bệnh viện siết chặt việc quản lý, xác thực thông tin bệnh nhân khi làm thủ tục tiếp nhận khám chữa bệnh; mọi người mọi nhà tham gia BHYT sẽ là giải pháp hiệu quả, tránh rủi ro cả về tài chính lẫn sinh mạng.

Khi đi khám bệnh người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Trường hợp cấp cứu: Được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tùy thân có ảnh hợp lệ trước khi ra viện.

Bệnh nhân được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Khi đó, người bệnh phải BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh chuyển tuyến.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị: người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám chữa bệnh.


Ý kiến bạn đọc