Hà Nội: Hơn 90% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV

16:55, 26/11/2015
|

(VnMedia) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến 30/9/2015, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội còn sống là 18.320 người; tổng số bệnh nhân AIDS còn sống là 8.529 người; tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là 4.512 người.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS là 294 người/100.000 dân. 100% quận, huyện thành phố có người nhiễm HIV; 548/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV, chiếm 93,3%.

Cụ thể, phân bố trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện theo giới, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm nay nam giới vẫn chiếm tỷ lệ cao (472 người, chiếm 68,7%), cao gấp khoảng 2,2 lần so với nữ giới (215 người).

Phân bố các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện theo nhóm đối tượng, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện cao nhất vẫn là nhóm đối tượng nghiện chích ma túy với 388 người, chiếm 56,5%; tiếp đến là nhóm đối tượng quạn hệ tình dục (183 người, chiếm 26,6%), bệnh nhân lao (41 người, chiếm 6,7%).

Theo nhóm tuổi, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện thì nhóm 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (581 người, chiếm 84,6%), kế đến là nhóm trên 49 tuổi (43 người, 6,3%).

Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trẻ, số nhiễm HIV/AIDS trong nhóm 25-49 tuổi trong 9 tháng đầu năm là 84,6%.

Theo kết quả giám sát trọng điểm Thành phố năm 2015, tỷ lệ hiện nhiễm HIV của nhóm nghiện chích ma túy là 19%, nhóm phụ nữ mại dâm là 18%. Tính đến 31/10/2015, bệnh nhân đang được điều trị Methadone là 3.462 người, trong đó có 421 người nhiễm HIV, chiếm 12%.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 trên địa bàn thành phố từ ngày 10/11 đến 10/12/2015, có nhiều hoạt động, trong đó có sự kiện Vòng tay nhân ái do Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội tổ chức nhằm huy động cộng đồng hỗ trợ, sẻ chia với trẻ em nhiễm, trẻ ảnh hưởng bởi HIV và người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV2 Đài truyền hình Việt Nam vào 20h30 ngày 3/12 tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS

Mục tiêu 90 – 90 – 90 của Việt Nam là hướng tới năm 2020 ở nước ta có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định.

Đó là thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ VI với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS”

Từ năm 1981 khi vi rút HIV xuất hiện, đến nay đã có gần 80 triệu người nhiễm HIV và một nửa trong số đó đã chết vì AIDS. Cho đến nay, HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội nếu các nước không tiếp tục chú trọng công tác phòng chống.

Ở Việt Nam , sau 10 năm phát hiện bệnh nhân trên thế giới, từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 230.000 người được phát hiện nhiễm HIV và khoảng 85.000 người đã chết vì bệnh AIDS. Việt Nam đã ý thức được hiểm họa của đại dịch; với sự giúp đỡ hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội, trong đó có những người bị nhiễm HIV, Việt Nam đã ngăn chặn và từng bước đẩy lùi đại dịch này. Việt Nam đã có nhiều mô hình được triển khai và nhân rộng; nhiều cách làm hay được thực hiện, phổ biến từ khâu phòng, chống tới khâu hỗ trợ điều trị. Nhờ vậy, năm nay là năm thứ 8 liên tiếp tại Việt Nam, số người nhiễm vi rút, số người nhiễm vi rút chuyển sang giai đoạn bị bệnh AIDS và số người tử vong đều giảm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Năm 2014, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hưởng ứng chương trình 90 – 90 – 90 của Liên hợp quốc. Hội nghị hôm nay là hành động thiết thực để Việt Nam thực hiện được mục tiêu này và cũng là hoạt động thiết thực trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Các vấn đề liên quan đến phòng bệnh, hỗ trợ điều trị căn bệnh này đều cần phải có các giải pháp khoa học, được thực hiện một cách khoa học và cần sự tham gia của toàn xã hội. Tại Việt Nam , mỗi năm có hàng trăm đề tài nghiên khoa học và nhiều kiến nghị về lĩnh vực này. Để phát huy hiệu quả các đề tài nghiên cứu, chính quyền phải cụ thể hóa bằng những chính sách. Đồng thời, toàn xã hội phải chung tay để những kết quả nghiên cứu cùng những kiến nghị của các nhà khoa học được triển khai trong thực tế; để tất cả mọi người đều phải được dự phòng, phát hiện, điều trị, hỗ trợ trước đại dịch này. Chỉ bằng sự chung tay, đồng lòng của toàn thể mọi người và các tổ chức chính trị - xã hội, Việt Nam mới có thể phấn đấu chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Việt Nam không chủ quan nhưng hoàn toàn tin tưởng và hi vọng thực hiện được mục tiêu này...

Truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Theo thạc sĩ Đỗ Hữu Thủy- Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS thì sự thay đổi về truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã được hệ thống y tế trong cả nước thực hiện từ tư duy truyền thông đến nội dung truyền thông, chủ thể truyền thông và phương pháp truyền thông. Về tư duy, truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã chuyển từ những thông điệp truyền thông mang tính hù dọa, tiêu cực sang truyền thông giải thích dựa trên cơ sở khoa học về HIV/AIDS và thực tiễn với việc thay thế những thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV bằng những thông tin, hình ảnh tích cực.

Về nội dung, các chương trình truyền thông đã không còn nhấn mạnh đường lây truyền của HIV mà chú ý giúp mọi người hiểu về các đường không làm lây truyền HIV. Đặc biệt, các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã chuyển từ việc coi người nhiễm HIV và gia đình của họ là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể của truyền thông phòng chống HIV/AIDS và chương trình cũng đã vừa phát huy hiệu quả của phương pháp truyền thông truyền thống như truyền thông qua các kênh trực tiếp và đại chúng vừa mở rộng, tăng cường truyền thông qua các trang tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội như website, fanpage, mạng di động.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông đã huy động được sự tham gia ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các chiến dịch, sự kiện truyền thông về phòng chống HIV/AIDS.

Nhờ truyền thông về các đường lây truyền của HIV song song với nhấn mạnh về các đường không làm lây truyền HIV, mọi người đã có cách nhìn toàn diện hơn với dịch HIV từ đó góp phần làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. 


Ý kiến bạn đọc