- Thẩm mỹ viện chỉ cần ký hợp đồng “hợp tác chuyên môn” hoặc “cung cấp dịch vụ” là có thể đưa khách hàng vào phòng mổ của bệnh viện không mấy khó khăn.
Thẩm mỹ viện "tuồn" khách hàng ngược vào bệnh viện
Trước đây, tình trạng bác sĩ của các bệnh viện “tuồn” bệnh nhân ra các phòng khám tư nhân để thu lợi không còn xa lạ. Thế nhưng, khi nhu cầu làm đẹp tăng cao và việc quản lý dịch vụ thẩm mỹ được các cơ quan chức năng siết chặt, người ta lại thấy một thực tế hoàn toàn ngược lại. Đó là các phòng khám tư nhân, thẩm mỹ viện tìm mọi cách lách luật để đưa khách hàng ngược vào bệnh viện để phẫu thuật.
Theo quy định, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ muốn hoạt động phải có đầy đủ giấy tờ. Trong đó, người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề y mới có thể đăng ký kinh doanh. Chứng chỉ này không bao gồm việc cho phép bác sĩ đó được làm các phẫu thuật thẩm mỹ, mà phải kèm theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề thẩm mỹ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện đủ để một phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân về thẩm mỹ được hoạt động.
Thông tư 07/2007-BYT hướng dẫn về hành nghề y tư nhân quy định, phạm vi hoạt động của các phòng khám đa khoa thẩm mỹ chỉ được phép làm các phẫu thuật thẩm mỹ từ cằm trở lên. Ngoài ra, các cơ sở thẩm mỹ cũng phải hoạt động trong phạm vi các “danh mục kỹ thuật” được sở hoặc các phòng y tế phê duyệt. Nếu không có trong danh mục được thực hiện thì tuyệt đối không được phép quảng cáo, tiếp nhận, thực hiện các ca phẫu thuật có xâm lấn.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc các khoa thẩm mỹ của bệnh viện mới được phép làm phẫu thuật thẩm mỹ từ vùng ngực trở xuống.
Nhiều bệnh viện cho bác sĩ, thẩm mỹ viện bên ngoài đưa khách hàng vào phòng mổ. |
Thế nên, vì tham vọng về lợi nhuận, không ít các cơ sở vẫn "lách luật" bằng cách đưa khách hàng của mình đến bệnh viện làm phẫu thuật thẩm mỹ. Còn khách hàng lại có niềm tin rằng bệnh viện là địa chỉ uy tín, có đầy đủ các khoa và bác sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản nên dễ dàng gật đầu đồng ý. Chính sự cả tin ấy, rất nhiều khách hàng đã “trao thân” cho các sĩ “dởm”, hậu quả không ít trường hợp xảy ra biến chứng, thậm chí tử vọng.
Những cú "bắt tay" có thể dẫn đến "chết người"?!
Ghi nhận thực tế cho thấy, cách “lách luật” mà các cơ sở thẩm mỹ thường sử dụng chính là núp dưới danh nghĩa “hợp đồng hợp tác chuyên môn”.
Theo tìm hiểu, hình thức này là bệnh viện hợp tác với bác sĩ hoặc bệnh viện khác có chuyên môn trong việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong đó, bác sĩ sẽ tham gia hợp tác, hỗ trợ và làm việc với đội ngũ chuyên khoa của bệnh viện về các công việc liên quan đến chuyên môn của bác sĩ đó.
Bệnh nhân là người đến điều trị trực tiếp tại bệnh viện. Bệnh viện có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bệnh án của người đó cho bác sĩ hợp tác chuyên môn và bác sĩ có trách nhiệm khám, tư vấn và điều trị các bệnh lý liên quan đến chuyên môn của mình.
Trong quá trình này, dựa trên thỏa thuận, bác sĩ sẽ được phần trăm nhất định trên tổng số chi phí khám, chữa bệnh của mỗi ca đã tham gia hợp tác với bệnh viện. Đổi lại, bác sĩ là người quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị trong phạm vi hoạt động chuyên môn; cung cấp cho bệnh viện phác đồ và hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế của bác sĩ H. và Bệnh viện V.H, không có bóng dáng Thẩm mỹ viện S.G.V. (Ảnh: Tieudung.vn) |
Hình thức hợp tác này không vi phạm pháp luật, được nhiều bệnh viện khuyến khích sử dụng với mục đích tốt đẹp là các bác sĩ có chuyên môn cao có thể điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ lại lợi dụng việc này để “chiêu dụ” khách hàng trái phép. Rồi thông qua hợp đồng hợp tác giữa bác sĩ và bệnh viện để đưa khách hàng đến phòng mổ bệnh viện thực hiện phẫu thuật. Lúc này, bệnh viện mới là đơn vị nhận được số phần trăm trên tổng chi phí mà thẩm mỹ viện thu được từ khách hàng.
Điển hình như trường hợp Thẩm mỹ viện S.G.V đã sử dụng hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế giữa bác sĩ Nguyễn Tiến H. và Bệnh viện V.H (cơ sở được Bộ Y tế cấp phép) để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê cho khách hàng. Đến lúc cơ quan chức năng kiểm tra thì hồ sơ lại thể hiện là khách hàng tự tìm đến bệnh viện để phẫu thuật thẩm mỹ. Chiêu thức này không những làm đau đầu cơ quan quản lý mà còn ảnh hưởng xấu đến tính mạng khách hàng, vì không ai kiểm soát trình độ chuyên môn của bác sĩ lẫn quy trình thực hiện.
Ai chịu trách nhiệm?
Nếu ca phẫu thuật trong phòng mổ cho thuê ấy diễn ra êm đẹp thì chẳng có gì bàn cãi. Thế nhưng, trong trường hợp xảy ra sự cố do sai sót thì ai là người chịu trách nhiệm? Bác sĩ thực hiện phẫu thuật hay là bệnh viện cho thuê phòng mổ?
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ thẩm mỹ không được cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề; bệnh viện thẩm mỹ cũng không được cho thuê phòng mổ. Nếu bệnh viện cho thẩm mỹ viện bên ngoài thuê phòng mổ, khi sự cố y khoa xảy ra, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, bác sĩ thực trực tiếp thực hiện phẫu thuật sẽ là người chịu trách nhiệm chính và có khả năng bị xử lý hình sự nếu có sai phạm nghiêm trọng.
Trong khi đó, về mức bồi thường, trường hợp các ca mổ dưới dạng “hợp tác chuyên môn” xảy ra tai biến vì chuyên môn kỹ thuật hoặc các trường hợp được xem là bất khả kháng, đơn vị bảo hiểm mà bệnh viện đã mua có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bác sĩ gây ra sai sót cũng phải chịu tỷ lệ bồi thường thiệt hại cho bệnh viện theo thỏa thuận.
Những sự cố y khoa nghiêm trọng đã xảy ra khi Bệnh viện E. cho bác sĩ bên ngoài đưa khách vào phòng mổ dưới dạng "hợp tác chuyên môn". |
Trường hợp bệnh viện chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật, còn bác sĩ hợp tác gây ra sai sót chuyên môn kỹ thuật phải chịu tỷ lệ bồi thường thiệt hại cho bệnh viện theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Nếu đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra sự cố, bác sĩ không phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nếu sự cố do chất lượng thuốc hay do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật tại bệnh viện không đảm bảo chất lượng thì bác sĩ cũng không phải chịu bồi thường thiệt hại.
Thế nhưng thực tế hiện nay khi sự cố xảy ra sự cố nghiêm trọng, một số bệnh viện lại đẩy hoàn toàn trách nhiệm về phía bác sĩ thuê phòng mổ. Điển hình như Bệnh viện Thẩm mỹ E.C, khi để xảy ra sự cố chết người, đơn vị này luôn khẳng định bệnh nhân không phải khách hàng của mình mà do bác sĩ có hợp đồng hợp tác chuyên môn đem về. Để rồi sau khi bị xử phạt một thời gian ngắn, bệnh viện vẫn cho thuê phòng mổ bình thường và lại tiếp tục xảy ra sự cố nghiêm trọng khác hồi năm 2019.
Hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ dường như đã kín tiếng hơn khi hành nghề, hạn chế quảng cáo, không công khai phẫu thuật như trước. Việc này ít nhiều gây khó khăn cho ngành y tế khi không thể xử phạt vì không có đủ bằng chứng.
Để siết chặt công tác quản lý các cơ sở hành nghề và người hành nghề y tế, trong đó có lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế TP.HCM đã ứng dụng phần mềm quản lý người hành nghề y trên địa bàn. Các cơ sở có sử dụng bác sỹ hành nghề phải đăng ký thông tin đầy đủ qua phần mềm, cán bộ quản lý sẽ kiểm tra thời gian đăng ký hoạt động của từng bác sỹ ở mỗi cơ sở, từ đó phát hiện cơ sở nào thuê mướn văn bằng, cơ sở nào sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng đẩy mạnh ứng dụng y tế trực tuyến để người dân có thể phản ánh các cơ sở thẩm mỹ không phép một cách dễ dàng.