- Việt Nam có 2,5 triệu người bị khiếm thính, trong đó 60% đang ở độ tuổi đi làm, song số lượng bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp.
"Tỷ lệ khiếm thính bẩm sinh ở Việt Nam tương đương thế giới, tuy nhiên số lượng bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp". Hằng năm có khoảng 1,4 triệu trẻ em chào đời nhưng chỉ 30% được sàng lọc thính lực sau sinh.
Thông tin được PGS Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết tại hội thảo Tình hình khiếm thỉnh của trẻ em Việt Nam và tương lai các cháu, ngày 9/7 tại Hà Nội.
Thế giới có khoảng 1,5 tỷ người sống chung với tình trạng mất thính lực, trong đó khoảng 60 triệu người mất thính lực nặng và sâu. Không đến 5% trong số họ được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác.
Hiện, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.500-2.000 trẻ mắc dị tật thính giác bẩm sinh chào đời. Trong đó, trẻ khiếm thính bẩm sinh ở Hà Nội và TP HCM chiếm khoảng 0,2%, còn Tây Nguyên 3,5%. Điếc bẩm sinh khiến hàng trăm nghìn trẻ em không thể nghe, nói. Những trẻ bị điếc nặng không thể học nói được, không thể phát triển ngôn ngữ, giao tiếp khó và bị nhiều hệ lụy về tâm lý khác như tự kỷ, cáu kỉnh, tính khí thất thường. Để có thể nghe được, bệnh nhân phải dùng máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai điện tử.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh việc cấy ốc tai điện tử sớm sẽ giúp cho trẻ bị khiếm thính phát âm và khả năng ngôn ngữ tốt hơn, nhận thức và hiểu lời nói tốt hơn; Cùng đó kỹ năng phát triển tâm lý xã hội liên quan đến giao tiếp tốt hơn.
"Trẻ cấy ốc tai điện tử trước 12 tháng tuổi có hiệu quả nghe tốt hơn rất nhiều so với những trẻ cấy sau 12 tháng tuổi"- PGS.TS Trần Phan Chung Thủy nói.
Theo chuyên gia, ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có khả năng khám sàng lọc và chẩn đoán được khiếm thính cho trẻ sơ sinh, thậm chí là trước sinh. Tuy nhiên việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính gặp không ít khó khăn.
|
||
Thực tế đối với người khiếm thính, để có thể nghe được, phải dùng máy trợ thính hoặc được cấy ghép ốc tai điện tử… Thế nhưng, hiện nay, các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng thính giác không được thanh toán BHYT. Người khiếm thính khi sử dụng các thiết bị trợ thính cũng không được bất cứ bảo hiểm nào ( bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…) thanh toán, trong khi phần lớn trong số họ lại không có khả năng kinh tế để có thể được sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất đó của y học trong lĩnh vực điều trị khiếm thính.
Trong trường hợp này, nếu có sự chi trả ( toàn bộ hoặc một phần ) thông qua chính sách BHYT đối với người khuyết tật – khiếm thính thì hàng triệu người khiếm thính sẽ có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường.
Mục tiêu năm 2030, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất, trong đó có khiếm thính. Trẻ khiếm thính cần được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời và giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.
Do đó tại hội thảo, các chuyên gia đều bày tỏ mong muốn có nguồn tài chính hỗ trợ cho việc sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh, để giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể cho con trẻ được can thiệp điều trị sớm.
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có từ 1,5% đến 2% số trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, trung bình cả nước mới có khoảng 30% số trẻ em được sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Hiện chỉ có một số thành phố lớn, như: Hà Nội, TPHCM… tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cao; còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều sản phụ chưa quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.