- Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai khám sức khỏe cho người cao tuổi tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Thực hiện Kế hoạch số 2762/KH-UBND ngày 22/6/2023 của UBND TP Hồ Chí Minh về khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025, tính đến ngày 30/6/2024, thành phố đã triển khai khám tầm soát cho hơn 139,000 người cao tuổi tại các trạm y tế phường, xã của 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Qua khám tầm soát, nhiều trường hợp phát hiện mắc các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường. Cụ thể, có 81.526 (58%) người cao tuổi mắc tăng huyết áp, trong đó 61.637 trường hợp đã được chẩn đoán trước đó và 19.889 trường hợp mới được phát hiện. Những trường hợp mắc tăng huyết áp đã được trạm y tế lập danh sách quản lý, tiến hành tư vấn về chế độ ăn giảm muối, sinh hoạt và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Về đái tháo đường, qua khám tầm soát cũng đã phát hiện 21.693 (15,5%) người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2, trong đó 21.644 người đã được chẩn đoán trước đó và 49 người mới phát hiện. Ngoài ra, có 11.276 trường hợp nghi ngờ mắc đái tháo đường.
Đối với những người nghi ngờ mắc đái tháo đường, trạm y tế mời người ra trạm hoặc giới thiệu cơ sở y tế tuyến trên để thực hiện chẩn đoán xác định. Các trường hợp đã mắc đái tháo đường được trạm y tế hướng dẫn cách kiểm soát đường huyết thông qua chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc.
Tổng quan tình hình các bệnh không lây nhiễm được phát hiện qua 6 tháng. |
Bên cạnh đó, chương trình khám sức khỏe còn phát hiện được số lượng người cao tuổi mắc các bệnh như hen là 1.738 trường hợp (chiếm 1,2%), 1.091 trường hợp (chiếm 0,8%) mắc COPD, 1.312 trường hợp (chiếm 0,9%) mắc các loại ung thư. Ngoài ra, quá trình khám còn phát hiện 1.205 trường hợp nghi ngờ mắc hen, 170 trường hợp nghi người mắc COPD và 3.071 nghi mắc các bệnh ung thư khác nhau. Tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều được tư vấn giới thiệu lên các cơ sở y tế tuyến trên để được chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.
Khuyến cáo dành cho người cao tuổi:
- Theo dõi sức khỏe định kỳ: Người cao tuổi được cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh không lây nhiễm.
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện: Các chuyên gia khuyến nghị người cao tuổi nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe.
- Hỗ trợ tinh thần: Người cao tuổi cần tham gia các hoạt động xã hội, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý khi cần thiết để có một cuộc sống tinh thần khỏe mạnh.
Chương trình khám sức khỏe cũng phát hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi. Thông qua sàng lọc bằng bộ câu hỏi PHQ-9 và GAD-7 đã phát hiện được 3.687 người cao tuổi (chiếm 2,6%) có nguy cơ mắc trầm cảm từ mức độ tối thiểu đến nặng, 2.843 người cao tuổi (chiếm 2,1%) có nguy cơ mắc rối loạn lo âu từ mức độ nhẹ đến nặng. Các trường hợp này đã được tư vấn giới thiệu đến các phòng khám tâm thần tuyến quận, huyện và tham gia các hoạt động xã hội nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra qua khám sức khỏe, phát hiện thêm 2.802 trường hợp (chiếm 2,5%) giảm chức năng sống cơ bản hằng ngày, 1.698 trường hợp (chiếm 1,5%) bị suy yếu, 2.980 trường hợp (chiếm 2,1%) có nguy cơ bị té ngã.
Được biết, Chương trình Khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai tại 310 trạm y tế trên địa bàn thành phố đến hết năm 2024 và những năm tiếp theo.