- Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu neisseria meningitidis gây ra.
Vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 2 trường hợp trong cùng gia đình tử vong nghi do viêm màng não mô cầu. Bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề sau này.
Ảnh minh họa |
Theo TS. Vũ Quốc Đạt - Phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng gây thành dịch. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu neisseria meningitidis gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Viêm màng não mô cầu gây ra hai bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ.
Hai bệnh cảnh này đều là tình trạng nhiễm trùng tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh chóng, thậm chí chỉ sau 1-2 ngày. Viêm màng não mô cầu có khả năng lây truyền qua đường hô hấp với mức độ lây truyền giống với một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác như COVID-19, cúm. Bệnh não mô cầu cũng là căn nguyên duy nhất có khả năng gây ra dịch viêm màng não lây truyền qua đường hô hấp.
Những nhóm đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu?
- Tất cả những đối tượng chưa từng có miễn dịch đối với não mô cầu đều có khả năng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh tập trung chủ yếu ở một số nhóm đối tượng trong môi trường khép kín và có mật độ đông như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…
- Đối tượng thứ hai là những người có các bệnh lý nền: ví dụ như bệnh lý tim, bệnh lý phổi mãn tính cũng như các bệnh lý suy giảm miễn dịch khác.
- Đối tượng thứ ba là nhóm đối tượng hút thuốc lá. Não mô cầu là loại vi khuẩn sống ở hầu họng và có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp nên những đối tượng có liên quan đến bệnh lý tổn thương đường hô hấp sẵn có, đặc biệt là những người hút thuốc lá thì cũng là đối tượng có nguy cơ cao.
Những triệu chứng điển hình của viêm màng não mô cầu
Trong giai đoạn đầu của não mô cầu, các triệu chứng tương đối nghèo nàn và khá giống với các triệu chứng nhiễm trùng khác như sốt xuất huyết, cúm, COVID-19.
Tuy nhiên, đến giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình và đặc trưng như sốt cao, đau đầu và có thể kèm theo rối loạn ý thức. Có những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể li bì, hôn mê. Ở nhóm những người bệnh nặng thì có thể có các dấu hiệu phát ban ở trên da. Đây là những dấu hiệu rất điển hình giúp các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm có thể chẩn đoán một cách dễ dàng. Để khẳng định người bệnh bị viêm màng não mô cầu cần có sự thăm khám của chuyên gia y tế bởi vì bệnh có thể nhầm lẫn với các ban gây sốt huyết hoặc các bệnh khác đang lưu hành tại Việt Nam.
Biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu
Bệnh não mô cầu có khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Do vậy nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần chú trọng giữ gìn vệ sinh, thông thoáng và sạch sẽ. Tại các nơi có ổ dịch cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp sốt, viêm hầu họng…, phòng sự lây lan cho cộng đồng. Những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh đã được khẳng định nhiễm não mô cầu cần tới các cơ sở y tế để được nhận thuốc điều trị dự phòng. Việc dự phòng thuốc cho những người có tiếp xúc với người bệnh hay những người có nguy cơ mắc bệnh sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh của họ.
Những đối tượng có nguy cơ cao, những người đang sống ở vùng dịch hoặc những nơi đã có ca bệnh thì cần phải được ưu tiên tiêm phòng vaccine não mô cầu. Đó là một biện pháp bền vững để giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu một cách hiệu quả nhất.
Việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.