- Ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân có các triệu chứng nghi mắc bệnh bạch hầu. Hiện, bệnh nhân đã được chuyển tuyến trên để xét nghiệm khẳng định và có phương án điều trị phù hợp.
Cụ thể, bệnh nhân là P.H.D (sinh năm 1968, trú xã Hà Linh, huyện Hương Khê). Bệnh nhân đi từ Đắk Lắk về địa phương cách đây 5 ngày. Đã 4 ngày nay, bệnh nhân xuất hiện đau rát họng, đau cổ, ngứa niêm mạc mắt…; sau đó vào Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh điều trị và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay sau khi xét nghiệm cận lâm sàng, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân P.H.D đã được giới thiệu chuyển lên tuyến trên để xét nghiệm khẳng định và điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương khoanh vùng kiểm soát và tiến hành phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm y tế huyện Hương Khê tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại nhà bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: CDC Hà Tĩnh |
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch. Trong trường hợp hoãn tiêm, gia đình cần cho trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân tại nơi có ổ bệnh cần chấp hành nghiêm việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Người dân không hoang mang; cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể và mũi họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.