- Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi)…
Chiều 3/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã tiếp thu, giải trình ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND Thành phố tại Kỳ họp thứ 17 liên quan đến nhóm lĩnh vực về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương hành chính của Thành phố trong thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đều có chuyển biến tích cực… Nhiều việc lớn như công tác tổ chức bộ máy, biên chế, đào tạo cán bộ, đề án phân cấp, ủy quyền, xây dựng 2 quy hoạch, Luật Thủ đô, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… đã được triển khai và hoàn thành với tiến độ và chất lượng tốt. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh/thành phố…
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, theo ông Hà Minh Hải, kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như ý kiến đại biểu HĐND Thành phố đã nêu tại phiên chất vấn. Trong đó, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư, quản lý tài sản công… còn nhiều khâu hạn chế tồn tại, chậm được khắc phục; một số chỉ số giảm bậc; định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá còn chậm ban hành so với kế hoạch yêu cầu.
Cùng với đó, vẫn còn tồn tại nhiều việc chậm, muộn; có những việc tồn tại, kéo dài qua nhiều thời kỳ chính sách khác nhau do khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhưng chậm giải quyết; cá biệt có một số việc chậm muộn kéo dài, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và Thành phố đã phải thực hiện kiểm tra công vụ và xử lý.
Công tác phối hợp, đặc biệt là phối hợp liên ngành, giữa các ngành với các quận, huyện vẫn còn là khâu yếu. Một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, năng lực, kỹ năng, tinh thần thái độ phục vụ hạn chế.
Về phương hướng thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, UBND Thành phố nhận thức được rõ những tồn tại hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, cùng với những nhiệm vụ thường xuyên khác, với tinh thần cầu thị, thái độ nghiêm túc, UBND Thành phố xác định 3 nguyên tắc xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành: Bám sát, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị hiện đại, khắc phục hạn chế đã được chỉ ra… Trong đó, tập trung phân công, xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy chế (đặc biệt là quy chế phối hợp liên thông); xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức …
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tiếp thu, giải trình ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND |
Đặc biệt, đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động, đổi mới sáng tạo của thành viên UBND Thành phố, người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU, UBND Thành phố sẽ xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “3 rõ, 1 xuyên suốt”… Tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nâng cao số dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), thiết lập kênh tương tác theo thời gian thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền để mọi kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời và xử lý nhanh nhất, thuận tiện, hiệu quả nhất cho người dân, doanh nghiệp…
“Đặc biệt tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến về 2 quy hoạch và thông qua Luật Thủ đô; UBND thành phố sẽ sớm báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố để tổ chức triển khai Luật, các quy hoạch của Thủ đô kịp thời, sớm nhất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” và mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh như Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.
“Công Dân Thủ Đô” là ứng dụng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, việc kết nối giữa chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp đã được triển khai thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội như Zalo, facebook, fanpade, các diễn đàn… Theo thống kê, đến cuối năm 2023 trên toàn quốc có hơn 15.000 cơ quan Nhà nước sử dụng Zalo kết nối với người dân và đã có 1,6 tỷ lượt tương tác giữa người dân và chính quyền trên mô hình này. Nhiều vi phạm bị xử lý; Nhiều vụ việc được điều tra; Nhiều thông tin được phản ánh kịp thời; Nhiều vướng mắc được tháo gỡ… chỉ nhờ những thông tin, hình ảnh và sự kết nối kịp thời với người dân. Điều này cho thấy chính quyền đang dần gặt hái những thành quả từ nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, phục vụ người dân. Ứng dụng “Công dân Thủ đô số” cung cấp các dịch vụ, tiện ích hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp như: phản ánh hiện trường; dịch vụ công trực tuyến; cổng tham vấn đối thoại của doanh nghiệp hộ kinh doanh; tổng đài hỏi đáp tự động (tích hợp AI); tiếp công dân khiếu nại tố cáo; thông tin cảnh báo hỗ trợ, khảo sát ý kiến của người dân doanh nghiệp. Và các tiện tích khác trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, cảnh báo ngập úng góp phần nâng cao chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Thành phố đặt ra mục tiêu 100% người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chọn thí điểm được tiếp cận, sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số” của Thành phố. 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chọn thí điểm được tiếp nhận; trả kết quả nhanh chóng, kịp thời thông qua ứng dụng. 100% các cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị được lựa chọn thí điểm sử dụng thành thạo các chức năng, tính năng của ứng dụng này phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời. Việc triển khai một nền tảng số với tên riêng của Hà Nội được kỳ vọng là giải pháp chuyển đổi số quan trọng, giúp chính quyền được gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, giải quyết kịp thời những vấn đề gắn liền với đời sống dân sinh và xã hội. |