- Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đặt mục tiêu vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; tất cả nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2…
Ảnh minh họa |
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn từ nay đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân thường xuyên sinh sống và tạm trú; mật độ dân cư đông đúc, đặc biệt tập trung tại các quận nội thành, thành phần kinh tế xã hội đa dạng. Hà Nội hieenjc ó 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy nổ cao.
Trong khi đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn không ngừng gia tăng; nhu cầu về phương tiện, nguyên, nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, sản xuất lớn, khó kiểm soát; các công trình nhà chung cư, cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người, những công trình công nghiệp, kho, xưởng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, tiềm ẩn cao nguy cơ cháy nổ.
Một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC và CNCH; nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế; Quân số, biên chế cho các đội chữa cháy và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tế công việc; chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy, CNCH chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nghề nghiệp; việc đầu tư cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành còn hạn chế. Chủ yếu những thành viên của các đội dân phòng, PCCC cơ sở đều hoạt động với hình thức kiêm nhiệm; phương tiện, trang thiết bị đầu tư cho lực lượng này chưa được quan tâm, chú trọng….
Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đặt mục tiêu vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy. Hà Nội cũng yêu cầu tất cả nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Đặc biệt, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ di dời các cơ sở hóa chất trong khu dân cư. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH được trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH hiện đại, phục vụ chữa cháy các loại hình cơ sở đặc thù, phức tạp dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ.
Lực lượng công an cấp xã, dân phòng được trang bị bổ sung mô tô và phương tiện chữa cháy, CNCH bảo đảm đáp ứng phương châm "4 tại chỗ".
Trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã cần xây dựng thêm gần 10.200 trụ nước, 1.673 bể nước, 848 bến lấy nước và hố thu nước.
Đến năm 2030, hàng nghìn tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m được bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước.
Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, thành phố Hà Nội dự kiến cần khoảng hơn 26.300 tỷ đồng từ nay đến năm 2030, trong đó từ nay đến hết 2025 cần khoảng 10.620,35 tỷ đồng và giai đoạn từ năm 2026 đến 2030 cần 15.721,1 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2014-2023), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác.
Đặc biệt, vụ cháy chung cư mini vào ngày 12/9/2023 ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) làm 56 người chết.
Tháng 5/2024, vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) cũng làm 14 người thiệt mạng. Đến ngày 16/6, tại phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai) lại xảy ra vụ cháy lớn làm 4 người tử vong.