- Ngày 5/7 vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ hai Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Nhà giáo. Tham dự phiên họp có đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập; đại diện một số bộ, ngành liên quan; các chuyên gia tham gia giáo dục, chuyên gia pháp lý.
Tại Phiên họp, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thông tin về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách, cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo cùng một số nội dung đã được trao đổi, góp ý trong quá trình triển khai.
Phát biểu tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Muốn vậy, phải có sự đột phá về tư duy, thoát khỏi các suy nghĩ có tính chất “khuôn mẫu” trong quá trình xây dựng dự án luật.
Đi vào các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị lưu ý đến đặc thù của một số nhà giáo trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc lực lượng vũ trang; đề nghị bổ sung đánh giá tác động của các chính sách mới so với hiện hành, trong đó chú trọng đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước, với người học; thảo luận về vấn đề định danh và phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhóm đối tượng nhân viên trường học; vấn đề cấp giấy phép hành nghề dạy học; các nguyên tắc áp dụng pháp luật; xử lý hài hòa quan hệ công – tư trong dự án luật…
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, cho biết thời gian qua, dự án Luật Nhà giáo đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi “5 nhà” (gồm nhà quản lý, nhà đào tạo, nhà sử dụng, nhà khoa học, nhà thụ hưởng). Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa nhưng có chọn lọc, khoa học các kiến đóng góp, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã chỉnh lý, cập nhật dự thảo Luật Nhà giáo (bản đã đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) với nhiều nội dung mới.
Cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Phiên họp sáng nay, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Tổ biên tập, thường trực Ban soạn thảo tổng hợp, chọn lọc để tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật; đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu, giải trình đầy đủ, tổ chức truyền thông để tạo đồng thuận.
Thứ trưởng cũng đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để xin ý kiến toàn bộ các thành viên Ban soạn thảo, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.