- Ngày 5/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cái chết của một người đàn ông ở Mexico là do một chủng cúm gia cầm có tên H5N2 chưa từng xuất hiện ở người trước đây.
WHO cho biết: “Mặc dù nguồn phơi nhiễm với virus trong trường hợp này hiện chưa thể xác định, nhưng virus cúm A (H5N2), vốn chưa từng xuất hiện trên cơ thể người trước kia, là nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân này”.
Sự việc khiến các nhà khoa học lo ngại khả năng cúm gia cầm đang biến đổi để lây lan dễ dàng hơn ở người. Tuy nhiên, cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng khẳng định, nguy cơ hiện nay về virus cúm gia cầm đối với người dân Mexico nói chung là thấp.
WHO cho biết, bệnh nhân 59 tuổi nhập viện ở Mexico City đã qua đời vào ngày 24.4 sau khi lên cơn sốt, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn và khó chịu nói chung. Sau khi xác nhận sự hiện diện của virus, chính quyền Mexico báo cáo vụ việc với WHO vào ngày 23.5.
Bộ Y tế Mexico cho biết bệnh có tiền sử bệnh thận mãn tính và tiểu đường type 2. Điều này khiến bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh nặng hơn khi mắc cúm, ngay cả khi đó là cúm mùa, chuyên gia về cúm Andrew Pekosz tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ, giải thích.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ bằng cách nào bệnh nhân bị nhiễm cúm H5N2 dù các ca cúm đã xuất hiện trên gia cầm tại Mexico. Bộ Y tế Mexico nói không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người trong ca tử vong này và toàn bộ người tiếp xúc với bệnh nhân đã được xét nghiệm, cho kết quả âm tính.
Vào tháng 3, chính phủ Mexico đã báo cáo một đợt bùng phát cúm A (H5N2) tại một gia đình bị cô lập ở bang Michoacan phía tây nước này, nhưng cho biết vào thời điểm đó nó không gây nguy hiểm cho các trang trại thương mại ở xa cũng như sức khỏe con người.
Các nhà khoa học cho biết trường hợp ở Mexico không liên quan đến sự bùng phát của một chủng cúm gia cầm khác là H5N1 ở Hoa Kỳ, cho đến nay đã lây nhiễm cho ba công nhân trang trại bò sữa.
Các giống cúm gia cầm khác là nguyên nhân gây tử vong ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm trước, bao gồm 18 người ở Trung Quốc trong đợt bùng phát H5N6 vào năm 2021.
Chuyên gia về cúm tại Đại học Johns Hopkins Andrew Pekosz cho biết, kể từ năm 1997, virus H5 liên tục cho thấy xu hướng lây nhiễm sang động vật có vú nhiều hơn bất kỳ chủng virus cúm nào khác. Ông nói: “Xu hướng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta nên hết sức cảnh giác trong việc theo dõi chủng cúm này, bởi vì mỗi lần lây lan đều là cơ hội để virus tạo ra đột biến giúp nó lây nhiễm sang người tốt hơn”.
Các trường hợp cúm gia cầm hiện đã được xác định ở các loài động vật có vú như hải cẩu, gấu trúc, gấu và gia súc, chủ yếu là do tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh.
Australia đã báo cáo trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) đầu tiên ở người vào tháng 5, nhưng cho biết rằng không có dấu hiệu lây truyền. Tuy nhiên, nước này cũng phát hiện thêm nhiều trường hợp gia cầm nhiễm cúm chủng H7 tại các trang trại ở bang Victoria.