Tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp là nguyên nhân bệnh sởi quay trở lại

0
0

 - Thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi.

Bé trai T.T.A (7 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) phải nhập viện sau khi sốt cao 3 ngày, kèm viêm kết mạc mắt, nổi ban đỏ khắp người. Đưa con đi khám bệnh, chị N.T.K.M. bất ngờ khi được các bác sĩ cho biết con trai mình mắc bệnh sởi. Bé trai mới 7 tháng tuổi nên trước đó chị chưa tiêm phòng vaccine cho con.

Ngoài bé T.A, hiện Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) đang điều trị cho 3 trẻ khác mắc bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho 8 ca mắc sởi, trong đó có ca bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, có ca từ các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ chuyển đến.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, hầu hết các trẻ mắc sởi có biến chứng nặng do có bệnh nền như: teo đường mật bẩm sinh, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm. "Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công", bác sĩ Quy nhận định.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận điều trị cho 14 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tình trạng trẻ mắc sởi bắt đầu xuất hiện trong những tuần gần đây, dự báo sắp tới số ca bệnh có nguy cơ tăng lên bởi sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), đến ngày 10/6, trên địa bàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc bệnh sởi xác định, phân bố tại 4/22 quận, huyện gồm: Bình Tân (8 ca), Hóc Môn (5 ca), Bình Chánh (2 ca) và Quận 8 (1 ca). Tương tự TP. Hồ Chí Minh, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho thấy, từ ngày 7/4 đến ngày 8/6, địa phương này ghi nhận liên tiếp 159 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 ca sởi xác định (chiếm 60%). Còn tại tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/4 đến 7/6 cũng ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Có 8/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với kết quả 4 ca dương tính với sởi.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông tin, năm 2024, khu vực phía Nam ghi nhận 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 19/20 tỉnh, thành. Trong đó, đã có một trường hợp tử vong tại tỉnh Bến Tre. "Việc bệnh sởi xuất hiện trở lại là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, chúng tôi đề xuất phương án mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine", Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng nhận định.

Khẩn trương tiêm bù vaccine sởi cho trẻ

TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của khu vực phía Nam về tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự gián đoạn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine nói chung và vaccine sởi nói riêng tại địa phương này trong những năm gần đây ở mức thấp. Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu mà TP. Hồ Chí Minh đề ra là trên 95%. 95% cũng là tỷ lệ bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng khu vực phía Nam những năm gần đây thấp và không đồng đều. Khảo sát của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở khu vực phía Nam rất thấp. Năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng sởi của khu vực phía Nam chỉ đạt 83,2% mũi sởi đơn và 75,6% mũi sởi tổng hợp (vaccine sởi, quai bị, rubella). Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine sởi rất thấp, chỉ đạt 52%. Một số địa phương khác như Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng… cũng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%.

Sang năm 2022 và 2023, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở các tỉnh khu vực phía Nam có tăng lên so với năm 2021 nhưng tại một số địa phương vẫn chỉ đạt mức thấp. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine sởi thấp phải kể đến là Bình Phước, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh… Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ có 6 địa phương đạt chỉ tiêu bao phủ vaccine sởi theo quy định của Bộ Y tế. Nhìn trên tỷ lệ tiêm chủng của khu vực phía Nam, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine quay trở lại. "Khi tiêm phòng không đúng, không đủ thì chỉ cần một vài ca bệnh thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch. Virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng như trẻ em chưa đủ tháng để tiêm, những người không thể tiêm phòng như trẻ bị bệnh tim, trẻ mắc bệnh mạn tính… Để phòng ngừa nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành dịch thì cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Mới đây, tại Hội nghị công tác phòng, chống dịch khu vực phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu các địa phương lên ngay phương án ứng phó với nguy cơ bệnh sởi và các bệnh có thể bằng vaccine quay trở lại. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các Cục, Vụ trực thuộc nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên môn với Tổ chức Y tế thế giới để sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung cũng như mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với bệnh sởi.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.