Sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia

0
0

Ngày 11/6, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; đại diện một số Sở GDĐT và các trường đại học.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg, 1982/QĐ-TTg.

Sau đó, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 và có một số điểm, một số nội dung chưa hoàn toàn nhất quán giữa 2 Quyết định với điều khoản của Luật.

Bên cạnh đó, thực tiễn 8 năm triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam cho thấy có một số điểm còn bất cập liên quan đến liên thông, phân luồng trong giáo dục, đối sánh với khung trình độ của các nước, đặc biệt các tiêu chuẩn do UNESCO ban hành; những vướng mắc đặt ra trong công nhận trình độ, công nhận văn bằng, công nhận trình độ để học sinh đi học nước ngoài...

Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 53/QĐ-TTg), Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Quyết định số 1981/QĐ-TTg) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (thay thế Quyết định 1982/QĐ-TTg).

 Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội để chúng ta rà soát lại, đánh giá từ thực tiễn, từ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong quy định của Luật, xem những gì còn bất cập cần sửa đổi cho phù hợp, đồng thời lưu ý việc sửa đổi phải bảo đảm tính liên thông trong hệ thống cũng như tương thích với các chuẩn khu vực và thế giới.

 

Báo cáo tại Hội thảo về lý do, sự cần thiết phải sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp tục của các cấp học và trình độ đào tạo thuộc giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, một số thành tố trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay thiếu tính hội nhập, thiếu tính thống nhất, thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ được tốt cho việc phân luồng giáo dục sau THCS.

Bên cạnh đó, thiết kế Khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phù hợp với các khung và tiêu chuẩn trình độ quốc tế nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động; cần đảm bảo áp dụng nhất quán trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo khác nhau và đảm bảo sự tham gia các bên liên quan trong thúc đẩy các cơ chế bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam khi xây dựng các chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu kết nối với đáp ứng kỹ năng làm việc từ thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng cần rà soát, chuẩn hóa, và quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giúp công nhận các trình độ đào tạo với các nước trong ASEAN.

Với khung trình độ quốc gia Việt Nam, Ban soạn thảo đề xuất phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với tham chiếu khung trình độ quốc gia (NQFs) của các nước ASEAN thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các đơn vị liên quan đã trao đổi những vấn đề còn vướng mắc và cho ý kiến đóng góp về các nội dung của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm liên quan đến việc bảo đảm tính liên thông, phân luồng trong hệ thống giáo dục; sự thống nhất, hội nhập; đào tạo đặc thù; công nhận tương đương; hệ thống các văn bằng, chứng chỉ...

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm

Cảm ơn ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Đây là một việc làm khó và phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất cao của các bên liên quan, cần có những bước đi ngắn hạn cũng như dài hạn để khắc phục những bất cập và hoàn thiện diện mạo mới của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng lưu ý, để thực hiện tốt hơn nữa, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận, xác định rõ mục đích của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra những nguyên tắc, lắng nghe ý kiến của các Bộ ngành liên quan từ thực tiễn đã qua, xu thế tương lai, pháp luật, đối sánh quốc tế.

Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để trước mắt hoàn thành báo cáo đánh giá, từ đó xây dựng các dự thảo một cách chất lượng.

Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiến hành họp các chuyên gia, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Quyết định; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ký ban hành Quyết định.


Ý kiến bạn đọc


Trưng bày trên 400 sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật - giả

(VnMedia) - Với chủ đề “Nhận diện Thực phẩm thật - giả”, phòng trưng bày Tổng cục QLTT trưng bày trên 400 sản phẩm, điểm nhấn chính là các loại lương thực, thực phẩm như gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure…

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng xã hội trên 50 tỷ đồng

(VnMedia) - Tin từ Bộ Công an cho biết: Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương tổ chức triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng xã hội quy mô lớn với số tiền giao dịch trên 50 tỷ đồng.

Ứng dụng MyTV giảm giá 50% cho khách hàng trên toàn quốc

(VnMedia)- Khách hàng có thể đăng ký gói cước Ứng dụng MyTV vào các ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần với giá cực kỳ ưu đãi, chỉ từ 32.500đ/tháng. Tận hưởng niềm đam mê với thế giới thể thao đa dạng và thưởng thức những bộ phim điện ảnh chiếu rạp hấp dẫn nhất. Nhanh tay đăng kí ưu đãi để trải nghiệm ngay!

Dính "bẫy" của kẻ giả danh công an, người phụ nữ Hà Nội mất 1,5 tỷ đồng

(VnMedia) - Mới đây, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục tăng cao

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (3/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm nhẹ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng và vượt qua mốc trên 76 triệu đồng/lượng.