Nỗ lực tháo gỡ bẫy ở các khu bảo tồn để “cứu” động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng

0
0

 - Từ năm 2011 đến năm 2021, WWF-Việt Nam và chính quyền địa phương đã hỗ trợ loại bỏ gần 120.000 bẫy tại giáp ranh Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Nơi đây được xem là nơi sinh sống của một số loài đặc hữu quý hiếm và nguy cấp…

Bẫy dây - một phương pháp săn bắt sử dụng các mũi neo bằng dây để bẫy các loài không chọn lọc – đang trở nên phổ biến ở các khu rừng nhiệt đới tại Đông Nam Á. Điều đáng nói, việc đặt bẫy làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã và làm cho nhiều loài thú lớn trong khu vực và thậm chí trên toàn cầu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Dữ liệu thu thập từ các cuộc tuần tra trong suốt 11 năm của lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cho thấy: Nỗ lực tăng cường tháo gỡ bẫy đã giúp số lượng bẫy giảm 40%, từ đó giúp giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc giảm thiểu số lượng bẫy sẽ càng trở nên khó khăn hơn mặc dù các cuộc tuần tra vẫn được duy trì.

 Việc tháo gỡ bẫy là cần thiết nhưng chưa đủ để bảo vệ hệ động vật đa dạng đang bị đe dọa ở các khu rừng nhiệt đới, theo như kết luận của các nhà khoa học trên tạp chí “Những bài viết về bảo tồn” (Conservation Letters). 

Từ năm 2011 đến năm 2021, WWF-Việt Nam và chính quyền địa phương đã hỗ trợ loại bỏ gần 120.000 bẫy tại giáp ranh Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam. Nơi đây được xem là nơi sinh sống của một số loài đặc hữu quý hiếm và nguy cấp, trong đó có Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Cầy vằn (Chrotogale owstoni), Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Vọoc chân xám và chân nâu (Pygathrix spp) và một số loài gà lôi (Lophura spp).

bẫy thú
 

Gỡ bỏ bẫy mất nhiều công sức và tốn kém vì các kiểm lâm viên phải đi bộ xuyên rừng dài ngày, vượt địa hình đồi núi cao và hiểm trở. Tuy nhiên, đây lại là một chiến lược thường được áp dụng vì nó đơn giản và không gây tranh cãi so với các giải pháp khác như bắt giữ và truy tố. Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của việc tháo gỡ bẫy đối với mức độ bẫy được cài đặt trong thời gian dài.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động thực vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), WWF-Việt Nam và WWF Châu Á - Thái Bình Dương, và các trường Đại học Exeter và Montpellier, đã phân tích dữ liệu tuần tra trong 11 năm và kết luận rằng, tăng cường tháo gỡ bẫy có thể làm giảm đáng kể mối đe dọa của bẫy dây đối với ĐVHD. Trong vòng 11 năm, số lượng bẫy ở hai khu bảo tồn đã giảm 37%. Hiệu quả này thể hiện rõ rệt hơn ở những khu vực dễ tiếp cận, có lẽ do hoạt động tuần tra diễn ra thường xuyên hơn ở những khu vực này.

Ông Jürgen Niedballa, Chuyên gia dữ liệu tại Leibniz-IZW cho biết: “Chúng tôi nhận thấy khu vực sau khi được tuần tra thì số lượng bẫy có thể giảm đi. Việc tuần tra có tác dụng ngăn chặn nạn đặt bẫy trong tương lai. Vì vậy, đây là một phương pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, mức độ đặt bẫy vẫn tương đối cao ở những khu vực rừng xa xôi, hẻo lánh. Ông Lương Viết Hùng, Quản lý Hợp phần các khu bảo tồn Dự án CarBi II thuộc WWF-Việt Nam, cho biết: “Việc phân tích dữ liệu không gian để quản lý khu vực giám sát rất quan trọng. Các bản đồ thể hiện sự phân bố của bẫy trong các khu bảo tồn giúp Giám đốc các KBT điều phối hoạt động tuần tra tới những khu vực cần được lưu ý nhất”.

Các chuyên gia cũng phát hiện rằng, mức độ đặt bẫy giảm chủ yếu trong vòng 6 năm đầu tuần tra. Sau đó, tần suất bẫy không giảm dù nỗ lực tuần tra vẫn tiếp tục. Ông Andrew Tilker, Chuyên gia tại Leibniz-IZW và Điều phối viên chương trình Bảo tồn Loài của tổ chức Re:wild, cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể giải pháp tháo gỡ bẫy không đủ để bảo vệ động vật hoang dã tại các khu bảo tồn ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng đối với các loài quý hiếm hoặc dễ mắc bẫy, nhiều loài trong số đó hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam”.

Các phát hiện cho thấy điều quan trọng là phải xem việc loại bỏ bẫy như một phần của công tác bảo tồn bao quát, đa khía cạnh nhằm giải quyết các động lực tiềm ẩn, theo như kết luận của các tác giả bài báo.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã của WWF-Việt Nam, cho biết: “Chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn. Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để thực hiện các sáng kiến bảo tồn toàn diện, bổ trợ cho việc tháo gỡ bẫy bằng các giải pháp ngăn chặn việc đặt bẫy ngay từ đầu như hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Bằng việc gia tăng những nỗ lực này, chúng ta có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề và giúp cho các khu rừng tại Trung Trường Sơn trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài động vật hoang dã”. Một trong những sáng kiến đó là dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng Sinh học giai đoạn II (CarBi II) được thực hiện trong giai đoạn hơn 5 năm (2019 – 2024) bởi WWF-Việt Nam và WWF-Lào thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), và là một phần của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).

Mặc dù các loài hoang dã tại Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bẫy chưa từng có trước đây, nhưng hy vọng rằng việc tăng cường tháo gỡ bẫy kết hợp cùng với các giải pháp tiếp cận toàn diện sẽ đủ giúp giải quyết các mối đe dọa nhằm phục hồi quần thể động vật hoang dã trên diện rộng, theo như các tác giả kết luận. Để giảm được bẫy tại các khu bảo tồn ở Đông Nam Á sẽ cần một nguồn lực đáng kể và sự cam kết mạnh mẽ nhất của các chính phủ trong khu vực, nhưng đó là một viễn cảnh khả thi.

PV

Ý kiến bạn đọc


Tắt sóng 2G: Thuê bao VinaPhone sẽ không bị bỏ lại phía sau

(VnMedia) - Nhằm giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi sử dụng và dễ dàng trải nghiệm các tiện ích số, VinaPhone dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu tăng vọt

(VnMedia) - Các nhà nghiên cứu blockchain TRM Labs hôm 5/7 cho biết, số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong sáu tháng năm 2024 so với năm trước đó.

Cuối tuần, giá vàng đột ngột tăng rất mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (6/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York bất ngờ bật tăng mạnh mẽ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục vượt xa mức 76 triệu đồng/lượng.

Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến: Người dùng nói gì?

(VnMedia) - Báo cáo nghiên cứu của Cốc Cốc dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng từ ngày 01/7 - 04/7/2024 đi sâu phân tích “phản ứng” của người dùng, cũng như những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định mới này…

Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024

(VnMedia) - Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.