- Chế độ dinh dưỡng cực kỳ quan trọng, nhất là đối với sĩ tử trong mùa thi sắp tới. Việc có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp, khoa học sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả của sĩ tử.
Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc
Trong giai đoạn “nước rút”, nhiều học sinh ôn thi trong tình trạng quá tải, thức đêm, mệt mỏi, bỏ bữa, thiếu ngủ hoặc sử dụng những thức ăn nhanh, tiện lợi để tranh thủ thời gian ôn tập. Việc làm này không giúp tăng thêm thời gian ôn tập mà có thể các bạn phải bỏ thi nếu sức khỏe không cho phép do ăn uống không điều độ và lối sinh hoạt, học tập không lành mạnh.
Ảnh minh họa |
Bạn Trần Nguyệt Hằng, thủ khoa khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) toàn quốc với tổng điểm xét tuyển đạt 29,35 năm 2023 chia sẻ kinh nghiệm của mình: Để đạt được kết quả cao trong các kỳ thi, quan trọng nhất vẫn là trong quá trình học tập phải thực sự tập trung khi ở trên lớp, học thuộc kiến thức mà thầy cô giảng dạy ngay tại lớp sẽ giúp tiết kiệm thời gian ôn tập. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tập trung, ghi nhớ của các bạn.
Theo Hằng, trong suốt quá trình học tập và rèn luyện, luôn ý thức giữ chế độ ăn uống phù hợp, đủ chất dinh dưỡng, có lối sống sinh hoạt lành mạnh, lịch học tập, ngủ nghỉ điều độ thì sức khỏe mới được đảm bảo.
“Thời gian gần thi, em cảm thấy rất căng thẳng và thường ít ăn uống. Nhưng nhờ có ba mẹ luôn đồng hành, nhắc nhở và chuẩn bị đồ ăn sẵn sàng nên em mới có đủ sức khỏe để học tập, ôn luyện để đạt kết quả cao”, Hằng chia sẻ.
Bạn Tào Việt Đức - sinh viên năm 3 ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ, rất ý thức về việc có một chế độ dinh dưỡng khoa học có liên quan trực tiếp đến kết quả của mỗi kỳ thi.
“Khoảng thời gian trước khi kỳ thi diễn ra, có lẽ là khoảng thời gian không chỉ riêng em mà tất cả các bạn sĩ tử đều lo sợ, hồi hộp và dành toàn bộ thời gian để học tập nhằm đạt được những kết quả mà bản thân mong muốn. Đó là lý do em cũng như các bạn lo học quên ăn hoặc vì quá mệt nên không thể ăn nhiều, ăn ngon”, Đức kể.
Theo Đức, dù biết bản thân đang rất mệt, nhưng vì chỉ còn ít thời gian là kỳ thi diễn ra nên việc ăn uống, ngủ nghỉ đều trở nên “xa xỉ” và bớt quan trọng so với việc ôn tập, giải đề của các sĩ tử.
Bổ sung chất dinh dưỡng cho não
BS.CKI Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) nhận định, một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, học tập hợp lý sẽ giúp các sĩ tử học tập có hiệu quả hơn.
“Mùa thi tới, do phải học tập nhiều, cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng vì trí não luôn hoạt động không ngừng nghỉ. Sĩ tử tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, không nên ăn quá no, sau ăn nên nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng 30 - 60 phút”, BS Thủy lưu ý.
Theo BS Thủy, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm, bao gồm: Nhóm tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...); nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Nhằm bổ sung dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho hoạt động của não, hỗ trợ duy trì sự tập trung và khả năng ghi nhớ cao, bên cạnh việc ăn uống đủ chất, đủ bữa, đúng giờ, các sĩ tử nên bổ sung thêm các thực phẩm lành mạnh như: Ngũ cốc, trái cây, rau xanh, thịt, cá, trứng, sữa...
Não là cơ quan tiêu thụ nhiều glucose nhất trong cơ thể, sự sụt giảm glucose có thể có tác động tiêu cực đến sự tập trung, học tập, nhận thức và trí nhớ. Bộ não cũng sử dụng nhiều glucose hơn trong các thời điểm trí não cần tập trung cao độ.
Vì thế, thí sinh cần được cung cấp nhóm tinh bột đầy đủ trong các bữa ăn chính: Sáng, trưa, tối (như cơm, cháo, phở, bún…); hạn chế các loại ngũ cốc tinh chế, bánh ngọt, đồ ngọt, thức ăn nhanh…
Nhóm thực phẩm rau xanh và trái cây tươi được đánh giá là thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất, tốt cho hệ miễn dịch, bổ hệ thần kinh, bổ mắt và hỗ trợ tiêu hóa.
Theo BS Thủy, khoảng 60% bộ não của con người được tạo ra từ chất béo và một nửa số chất béo đó bao gồm các axit béo Omega-3. Bộ não sử dụng Omega-3 để xây dựng tế bào não và tế bào thần kinh. Chất béo này rất cần thiết cho việc học tập và ghi nhớ.
Ngoài ra, sĩ tử nên ăn trứng vì trứng rất giàu protein, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là trí não và hệ miễn dịch. Trứng cũng rất giàu vitamin A, D và B12, cũng như choline và lutein, chất dinh dưỡng cần thiết để trao đổi chất, liên quan đến chức năng nhận thức, điều hòa hệ thần kinh và chức năng của não. Nhiều sĩ tử đi thi hay kiêng trứng, điều này là hoàn toàn sai lầm vì không có cơ sở khoa học.
BS Thủy cho biết thêm, một số sĩ tử lựa chọn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn để giảm thời gian ăn uống, tăng thời gian học tập. Tuy nhiên, các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh như: Các loại bánh ngọt, khoai tây chiên, pizza, gà rán, xúc xích, nước ngọt có ga… ngon, tiện lợi nhưng chứa nhiều calo, đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất.
“Nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như tăng đường trong máu, gây đầy bụng, khó tiêu, dễ mắc bệnh răng miệng, ảnh hưởng đến trí nhớ. Sĩ tử cũng không nên vì kích thích thần kinh, tạo sự tỉnh táo, giảm cảm giác buồn ngủ mà sử dụng cà phê, trà, nước tăng lực. Việc lạm dụng sẽ gây khó ngủ, mệt mỏi, mất ngủ, hồi hộp, căng thẳng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ôn tập và thi cử”, BS Thủy nhấn mạnh.