- Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về đăng ký hiến mô, tạng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chủ động báo cáo, đề xuất xây dựng chương trình vận động hiến mô, tạng và vận động hội viên trên cả nước đăng ký hiến mô tạng.
Ông Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, cùng với các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện trong thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo để nâng cao nhận thức, đóng góp tích cực vào công tác vận động hiến tạng; phối hợp tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành quả quốc tế vào công tác ghép tạng của Việt Nam.
Theo đó, Hội sẽ tập trung vào 6 nội dung chính. Đó là tuyên truyền, vận động hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Các bác sĩ đang thực hiện ca lấy đa tạng từ người cho chết não tại một bệnh viện. |
Tuyên truyền, vận động hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời theo quy định của pháp luật vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học.
Phối hợp tham gia các hoạt động chuyên môn liên quan đến chuỗi hoạt động lấy, vận chuyển, ghép mô tạng; phối hợp tổ chức các chương trình tình nguyện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đào tạo về lĩnh vực hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người hoặc lĩnh vực khác có liên quan.
Phối hợp tổ chức tôn vinh, tri ân, thăm hỏi, động viên, khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết, chết não và người được hiến tặng; cùng thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên cơ sở nhu cầu và năng lực của các bên.
Trước đó, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng, đồng thờikhởi động đăng ký hiến mô, tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Các bên tham gia xây dựng các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác liên quan đến người lao động ngành Y nói chung và đội ngũ thực hiện công tác tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nói riêng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt, hiện nay, nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam đang thấp nhất thế giới.
Những người dân đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo – đối với họ, chỉ còn ghép tạng mới mang lại sự sống.
Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt cho biết, năm 2023, Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca, nhưng 95% là từ người cho sống, chỉ có 5% từ người cho chết não, trong khi các nước phát triển trên thế giới có từ 80-95% nguồn tạng từ người cho chết não.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến lấy dẫn chứng, mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có ít nhất 1.000 ca chết não tử vong nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Hiện tại, đây cũng là bệnh viện vận động hiến tạng sau chết não tốt nhất cả nước.
Nếu bệnh viện nào cũng có tổ tư vấn về hiến mô, tạng như mô hình của các bệnh viện ở Tây Ban Nha (mỗi ngày có từ 2-3 ca hiến tạng) thì trong tương lai, số người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam sẽ tăng cao, đồng nghĩa với việc nhiều người được cứu sống. Vì vậy, bà Tiến cho rằng, rất cần thiết thành lập mô hình tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện.