- Mới đây, lực lượng công an TP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và kịp thời ngăn chặn 2 vụ lừa đảo trên không gian mạng xảy ra trên địa bàn thành phố mà nạn nhân là các cụ già.
Công an phường Đức Giang (Hà Nội) làm việc với ông S. |
Cụ thể: Công an phường Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội phối hợp Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vừa kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa người dân.
Theo đó, vào khoảng 14h ngày 13/6/2024, Công an phường Đức Giang nhận được tin báo của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô về việc một cụ ông đến ngân hàng làm thủ tục chuyển 500 triệu đồng, nghi vấn có dấu hiệu bị lừa đảo. Ngay lập tức, Công an phường Đức Giang đã cử cán bộ đến ngay chi nhánh ngân hàng để xác minh sự việc.
Qua trao đổi, ông S (sinh năm 1945; trú tại Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, ông có nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội, thông báo ông có liên quan đến đường dây ma tuý và yêu cầu ông S chuyển 500 triệu đồng để xác minh.
Thấy biểu hiện bất thường của người rút tiền cán bộ ngân hàng đã cảnh giác báo tin và phối hợp lực lượng Công an giải thích rõ ràng, ông S đã hiểu rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng, kịp thời ngăn chặn không để người dân bị lừa đảo thiệt hại tài sản.
Tương tự, trước đó, Công an phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm phối hợp nhân viên ngân hàng BIDV ngăn chặn vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa người dân.
Theo đó, khoảng 13h30 ngày 05/6/2024, bà T (1944; HKTT: Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến ngân hàng BIDV tại 34D Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm để chuyển số tiền 410 triệu đồng.
Khi nhân viên ngân hàng hỏi tài khoản ngân hàng gửi có phải người quen của bà T không thì bà T không trả lời và đứng lên ra về. Sau đó khoảng mấy phút bà lại quay lại với biểu hiện bất thường, lo lắng. Nhân viên ngân hàng gặng hỏi thì bà T bỏ về.
Nhân viên ngân hàng nghi ngờ bà T đã bị các đối tượng lừa đảo và có thể bị dẫn dắt ra ngân hàng khác chuyển tiền nên nhân viên ngân hàng đã tìm đến tận nhà bà T cố gắng giải thích cho bà hiểu, nhưng bà không nghe hướng dẫn nên nhân viên ngân hàng đã gọi điện báo sự việc cho Công an phường Cửa Đông.
Ngay sau khi nhận được thông tin, cán bộ Công an phường Cửa Đông đã có mặt và làm việc với bà T. Qua trao đổi, bà cho biết đã bị các đối tượng tự xưng là Công an, Viện kiểm sát gọi điện nói bà liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bà chuyển toàn bộ số tiền đang có trong sổ tiết kiệm, sau khi chứng minh được nguồn tiền sẽ trả lại cho bà.
Sau khi được cán bộ Công an phường Cửa Đông phân tích, giải thích về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng thì bà T đã dừng việc chuyển tiền cho các đối tượng. Nhờ sự tận tình của nhân viên ngân hàng BIDV và sự có mặt kịp thời của Công an phường Cửa Đông mà bà T đã không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Từ những vụ lừa đảo xảy ra ở trên cho thấy hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, xong cách thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi nhằm thao túng tâm lý và “bẫy” những người dân nhẹ dạ cả tin.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
P.Mai