- Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Những điểm mới trong công tác coi thi, cách thức phát hiện gian lận thi cử... là các nội dung được trao đổi nhằm tổ chức kỳ thi thành công, an toàn.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025, toàn TP có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký tham gia dự thi. Trong đó có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập; hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên; hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng.
Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức thi, Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Với quy mô đó, Sở GD&ĐT huy động gần 15.500 lượt cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, hơn 2.000 cán bộ chấm thi. Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng huy động hơn 600 cán bộ làm công tác thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển...
Nếu tính cả lực lượng tình nguyện viên, an ninh, công an…, tại kỳ thi vào lớp 10 năm nay, TP Hà Nội đã huy động xấp xỉ 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người tham gia công tác làm thi. Số này có thể đông gấp đôi số thí sinh dự thi lớp 10 của một số địa phương trên cả nước.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) Nghiêm Văn Bình nêu một số lưu ý trong công tác coi thi, trong đó có việc nhắc nhở thí sinh kiểm tra tình trạng của đề thi và báo cho cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài. Nếu nhận được phản ánh về đề thi và các sự cố bất thường trong phòng thi, cán bộ coi thi phải báo ngay cho trưởng điểm thi (qua cán bộ giám sát).
Đại diện Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng thông tin thêm, rút kinh nghiệm năm trước, tại kỳ thi năm nay, ngoài bì đề thi chính thức và bì đề thi dự phòng còn có thêm bì đề “Bản chính” đóng dấu đỏ. Do vậy, khi nhận đề thi, ngoài việc kiểm soát số môn thi tại điểm thi, đối chiếu các bì đề thi thì trưởng điểm thi còn nhận các bì đề “Bản chính”. Bì đề này chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt như xử lý khi có thắc mắc về đề thi trong thời gian quy định; đồng thời phải tuân thủ đúng quy trình đóng mở niêm phong.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh vào lớp 10 TP Hà Nội năm 2024 đã giải đáp thắc mắc của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh một số quận, huyện, thị xã và trưởng các điểm thi về những nội dung liên quan đến cơ sở vật chất điểm thi, cách sắp xếp, bố trí phòng thi…; đồng thời quán triệt các đơn vị tiếp tục có phương án tối ưu, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác tổ chức thi.
Cán bộ coi thi cũng được hướng dẫn cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận; hướng dẫn phương án xử lý các tình huống bất thường trong quá trình coi thi như thí sinh bị ốm, thí sinh đến muộn…
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh nguyên tắc “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” trong công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10. Cụ thể, “3 chủ động” là: chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; chủ động đề xuất chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thi; chủ động báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng trong xử lý bất thường. “3 không” là: không lơ là, chủ quan; không quá căng thẳng, áp lực; không tự ý xử lý tình huống.
Sở GD&ĐT đề nghị, mỗi cá nhân, đơn vị phải có nhận thức nghiêm túc, đúng đắn về kỳ thi; phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, minh bạch, chất lượng.
Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, chấm thi theo sự điều động của Sở GD&ĐT. Đồng thời nghiêm túc triển khai học tập, quán triệt Quy chế thi, các văn bản hướng dẫn của Sở đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh dự thi.
Cùng với đó, các điểm thi phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong quá trình tổ chức kỳ thi; phát hiện kịp thời, báo cáo đầy đủ, chủ động xử lý các tình huống phát sinh.