- Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng nếu không chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố với số trường hợp mắc hằng năm hơn 100.000 trường hợp với nhiều ca tử vong. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng nếu không chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nhiều năm nay, Hà Nội luôn là địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao. Riêng huyện Đan Phượng là một trong những “điểm nóng” về sốt xuất huyết của thành phố với nhiều yếu tố nguy cơ như: Các công trình xây dựng nhiều, các khu nhà trọ, lán trại tập trung khó kiểm soát, nhiều khu đất bỏ hoang chứa phế thải đọng nước không được xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, các khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết hằng năm diễn biến phức tạp cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt, các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai… đều ghi nhận số mắc cao.
Cụ thể, năm 2023 toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình sốt xuất huyết năm nay vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Ngoài điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, vệ sinh môi trường chưa tốt, còn có nguyên nhân là do người dân ngoại tỉnh đến thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội đô rất lớn. Đây là nhóm đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh.
“Cùng với điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế thải, không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những khu thuê trọ chính là nơi làm lây lan, bùng phát sốt xuất huyết. Trong khi đó, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, khiến dịch diễn biến phức tạp, kéo dài”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, mở ra hy vọng mới trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống hiện nay vẫn chủ yếu là hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi vằn.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà hằng tuần tại các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học... Ngoài ra, khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần thông báo ngay với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) kêu gọi người dân, hộ gia đình, mỗi tuần hãy dành 10 phút để phòng, chống sốt xuất huyết với các động tác đơn giản:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bề và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Phối hợp tích cực với ngành Y tế trong việc thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.