- “Tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thiết bị còn được thiết kế nằm ngay ở đế giày", đại diện Bộ Công an cho biết.
Sáng 20/6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay, tỉnh xác định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đặc biệt kỳ thi năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Năm nay, số thí sinh của Quảng Ninh tăng 2.000 em so năm ngoái. Theo bà Hạnh, tỉnh cũng đã cho rà soát tất cả những nhà dân sát điểm thi, hạn chế tối đa việc sử dụng wifi trong những ngày diễn ra kỳ thi, hạn chế việc thí sinh có thể tranh thủ sóng wifi để thực hiện những việc không tốt cho kỳ thi.
Cùng đó, về an toàn giao thông, tỉnh cũng hạn chế tối đa việc các xe tải chở vật liệu xây dựng hay chở cồng kềnh, cụ thể là không ra đường, không đi vào những cung đường mà thí sinh đi trong những ngày tổ chức kỳ thi.
Về kiến nghị, bà Hạnh chia sẻ những trăn trở liên quan thông tin trên không gian mạng. “Bao giờ cũng vậy, tỉnh chỉ đạo rất sâu sát nhưng vẫn có những thông tin chưa được kiểm chứng, có khi chỉ là tâm tư của phụ huynh, đăng lên không gian mạng gây hoang mang dư luận. Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT chỉ đạo lực lượng chức năng sớm chủ động rà soát tất cả những thông tin trên mạng và yêu cầu xử lý nghiêm nếu như đưa thông tin gây dư luận không tốt về kỳ thi”, bà Hạnh kiến nghị.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. |
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho hay qua kiểm tra ở các địa phương, giữa 2 ngành công an và giáo dục đã có sự phối hợp trong các khâu chuẩn bị cho kỳ thi.
Bộ Công an đã tham gia tập huấn phát hiện các nguy cơ tiêu cực, chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng mua bán thiết bị sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương chưa hiểu rõ mức độ quan trọng của công tác an ninh như nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh phải cách 25m so với nơi thí sinh làm bài thi... Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, địa phương sẵn sàng phối hợp để đảm bảo các quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT được đề ra.
“Tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thiết bị định tuyến giờ đây không chỉ ở những vị trí cách xa trong vòng 25m mà được thiết kế nằm ngay ở đế giày.
Vì vậy việc phát hiện các thiết bị gian lận này của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn hơn. Do đó, các hội đồng thi cần tăng cường công tác tập huấn phát hiện, nhận biết thiết bị công nghệ cao”, ông Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là một hoạt động hết sức quan trọng, phức tạp và nhạy cảm khi diễn ra trên quy mô toàn quốc và số lượng thí sinh dự thi lớn. Lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi cũng đến hàng trăm nghìn lượt.
Với những sự chuẩn bị đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, toàn quốc đã chuẩn bị để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15. Trong tổ chức thực hiện, tuyệt đối phải tuân thủ đúng quy trình và quy chế.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Thưởng cũng cho hay, việc thi cử, trường thi phải nghiêm túc nhưng không đồng nghĩa với việc tạo căng thẳng một cách thái quá mà cần phải có sự chu đáo, ân cần, thân thiện.
Ông Thưởng cũng lưu ý các địa phương tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho thí sinh tối đa, không để em nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về địa lý, không thể tham gia kỳ thi.