-"Không thể quá khiên cưỡng khi cứ vận động viên thể thao là nhất nhất phải vào nhà nước, vì có nhiều người sống được bằng thể thao, không phải làm thể thao người ta ra dạy nghề, người ta làm và thông qua hình ảnh của mình, thông qua việc mở các câu lạc bộ, thông qua các loại hình khác..." - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng nói về tương lai của các vận động viên.
Giải quyết căn cơ cho vận động viên
Đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Trần Quang Minh - Quảng Bình cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo là sẽ làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao hoặc kinh doanh. Chính vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu nhiều vận động viên đành từ bỏ đam mê thể thao.
“Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định 36/2019 của Chính phủ về bảo đảm học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành tích cao. Tuy vậy để được hưởng những cơ hội này vận động viên vẫn phải là người hội tụ đủ may mắn, không ít những vận động viên gặp chấn thương thì không thể được hưởng những ưu đãi này. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, đặc biệt là những vận động viên gặp chấn thương.” – đại biểu tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình |
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách, trong đó có 07 chính sách ở cấp Trung ương và 01 chính sách ở địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ cho các vận động viên, trong đó có vận động viên thể thao thành tích cao. Các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, chính sách về tiền thưởng trong thi đấu đã được triển khai và đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
“Tuy nhiên, đúng như đại biểu có chia sẻ, để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian; Thứ hai, nghề nghiệp đó cũng có thể chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên và từng loại hình người ta đã được rèn luyện và thi đấu.” – Bộ trưởng lý giải.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể về tác động hệ thống chính sách vừa qua, sau đó đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu và sau đó được phát triển ngành, nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình. Đó cũng là cách về mặt lâu dài, trong đó có chính sách về tiền lương, chính sách về phụ cấp đặc thù và nhất là những chính sách nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Vận động viên thể thao không nhất thiết phải vào "nhà nước"
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Lê Hoàng Anh - Gia Lai nói: “Bộ trưởng trả lời về vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao, nhưng câu trả lời vẫn là “sẽ nghiên cứu, rà soát, sẽ ban hành” giống như người có thẩm quyền của các nhiệm kỳ trước trả lời. Tôi xin đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn "sẽ" là bao giờ?”
Trao đổi về giải pháp, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, về dài hạn, kinh nghiệm cho thấy các nước trên thế giới để giải quyết việc làm, thu nhập của vận động viên… không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
“Chúng ta hiện nay mỗi năm ngân sách trung ương chi khoảng 900 tỷ cho thể thao, còn họ bằng cách phát triển kinh tế thể thao. Tuy nhiên, kinh tế thể thao Việt Nam vẫn là khuyết và tật. Như vậy, Bộ trưởng thấy cần giải quyết vấn đề kinh tế thể thao như thế nào? Trong chương trình mục tiêu quốc gia trình tại Quốc hội lần này cũng không thấy bóng dáng của kinh tế thể thao.” – đại biểu tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai |
Về ngắn hạn, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, Khu liên hợp thể thao quốc gia là nơi có một trong những chức năng rất quan trọng là phục vụ việc tập luyện, đào tạo, thi đấu của vận động viên, đặc biệt là vận động viên thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không những không khắc phục được khó khăn mà khó khăn còn chồng chất hơn rất nhiều.
“Cơ quan cảnh sát điều tra cũng chưa công bố kết luận điều tra về dấu hiệu tội phạm. Khu liên hợp không thể sử dụng được để phát huy hiệu quả của đất đai, tài sản để phục vụ và phát triển của Khu liên hợp và đời sống, nơi tập luyện của vận động viên cũng khó khăn. Bộ giải quyết vấn đề này như thế nào trong 5 năm qua để giải quyết ngay chính cho việc tập luyện, thi đấu và việc làm của vận động viên? Tôi cũng mong Bộ trưởng có thể trao đổi thêm để cho các đại biểu biết, kể cả ngắn hạn, dài hạn và thời gian cụ thể để giải quyết việc này?" - đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ.
Cảm ơn đại biểu về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ trong thể thao, chúng ta không thể quá khiên cưỡng khi cứ vận động viên thể thao là nhất nhất phải vào nhà nước, vì có nhiều người sống được bằng thể thao, không phải làm thể thao người ta ra dạy nghề, người ta làm và thông qua hình ảnh của mình, thông qua việc mở các câu lạc bộ, thông qua các loại hình khác. Vận động viên cũng là công dân, người ta làm được những việc đó, chứ không phải chỉ có đi vào cơ quan nhà nước. Cho nên, việc đó chúng tôi cũng rất đồng tình cách tiếp cận công việc phải khác.”
Về kinh tế thể thao, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai kinh tế thể thao đã có trong luật, nhưng lâu nay chưa làm được, bây giờ phải tập trung để nghiên cứu, phải sửa đổi chính sách, bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy cho vấn đề này, hoàn thiện các khung pháp lý.
“Ngay như đua chó, đua ngựa cũng là một loại hình của kinh tế thể thao, nhưng việc đó lại giao cho các Bộ khác, không phải Bộ chúng tôi, nhưng cũng khó làm được, chưa làm được. Chúng ta thấy đúng, nhưng chưa phải làm được ngay. Những việc này tôi nghĩ cũng phải được nghiên cứu, bây giờ hỏi tôi phải làm như thế nào ngay thì chúng tôi sẽ cố quyết liệt nhất, cố gắng nhất trong thời gian có thể trình được.” – Bộ trưởng thẳng thắn trả lời.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn |
Về sân thể thao Mỹ Đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hoc biết, khi ông lên nhận chức Bộ trưởng thì đã nhận được kết luận của thanh tra Chính phủ. “Khi đó chúng tôi đã nỗ lực để tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra và tập trung khắc phục. Vừa rồi chúng tôi đã làm, có những việc chúng tôi đã làm xong, có những việc đang làm. Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thì Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo.” – ông Hùng nói.
Bộ trưởng biết, hiện đang cho rà soát quy hoạch; xử lý đất đai; xử lý những tồn đọng và tiếp cận theo hướng nhà nước đầu tư nhưng phải biết khai thác, sử dụng theo hướng có các đề án cụ thể để trình cho Thủ tướng phê duyệt cho phép, lúc đó triển khai mới giải quyết được bài toán căn cơ từ vấn đề về nợ thuế đất, đưa vào sử dụng như thế nào để phát huy theo hướng đầu tư công, quản trị tư để có hiệu quả hơn trong vấn đề chống lãng phí….