- Với cơ chế tài chính “Vòng Đầu tư,” WHO sẽ kêu gọi vốn từ các nhà tài trợ công và tư nhân, bao gồm cả các quỹ, nhằm huy động 7 tỷ USD trong tổng số ngân sách 11,1 tỷ USD từ nay cho đến năm 2028.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Ngày 26/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố cơ chế tài chính mới nhằm huy động 7 tỷ USD để triển khai các dự án nhanh chóng và linh hoạt hơn.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc hoạt động dựa trên cam kết tài chính của 194 quốc gia thành viên, nhưng những cam kết này thường được phân bổ cho các dự án cụ thể với một số điều kiện kèm theo, trong đó có điều kiện về thời hạn.
Phát biểu tại sự kiện ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các quốc gia thành viên tăng cam kết sẽ đóng góp thêm 4 tỷ USD vào ngân sách 11,1 tỷ USD của cơ quan này trong vòng 4 năm (cho đến năm 2028).
Trong khi đó, cơ chế tài chính mới, mang tên “Vòng Đầu tư,” sẽ giúp huy động 7 tỷ USD còn lại. WHO sẽ kêu gọi vốn từ các nhà tài trợ công và tư nhân, bao gồm cả các quỹ.
Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: “Thay vì chờ đợi vốn trong 4 năm, cơ chế Vòng Đầu tư nhằm đảm bảo nguồn tài trợ đó ngay từ đầu, cho phép WHO lập các kế hoạch dài hạn hơn, tìm kiếm nhân sự.”
Dự kiến, WHO sẽ tổ chức hội nghị vào tháng 11 tới để huy động đóng góp của các nhà tài trợ. Trước khi hội nghị diễn ra, WHO và các quốc gia tài trợ sáng kiến mới này sẽ vận động mạnh mẽ để đạt được số vốn mục tiêu 7 tỷ USD.