- Ngày 7-5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM có buổi làm việc về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược năm 2022-2023 với một số sở ngành, bệnh viện và một số quận, huyện trên địa bàn TP.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại TP có 1.202 doanh nghiệp bán buôn và 6.529 nhà thuốc nên việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo. “Sản lượng thuốc tiêu thụ tại TP chiếm 25-30% nhu cầu của cả nước, do đó việc bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức lớn" - ông Nam nói.
Ông Nam thông tin, hiện TP vẫn còn các cơ sở bán thuốc chưa đảm bảo điều kiện bảo quản hay kinh doanh thuốc không đúng phạm vi được cấp phép. Tình trạng dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt, bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc còn phổ biến. Một số cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM khảo sát kho thuốc tại bệnh viện. (Ảnh: PLO) |
Năm 2022 và 2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 261 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược trên địa bàn TP, phát hiện 117 cơ sở vi phạm (gần 45%). Tổng số tiền phạt các cơ sở này là hơn 3,2 tỉ đồng.
Về nguồn dược, TP phụ thuộc vào dược liệu nhập khẩu và nguồn cung ứng từ các địa phương khác. Vì thế việc quản lý nguồn gốc, chất lượng dược liệu còn nhiều khó khăn.
Trong khi Luật Dược chưa có quy định về quản lý với hình thức kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử và loại hình kinh doanh vận chuyển thuốc, thì theo ông Nam việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Từ đó dẫn đến quá trình thanh kiểm tra việc kinh doanh, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, địa chỉ là địa điểm ảo, thuốc được quảng cáo không rõ nguồn gốc, gây nhầm lẫn cho người dân giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hầu như tất cả nhà thuốc đều bán thực phẩm chức năng trong khi hồ sơ xin cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng, dinh dưỡng y học của các cơ sở còn rất khiêm tốn.
Hiện TP.HCM là địa phương duy nhất tổ chức rà soát quảng cáo thực phẩm chức năng. Năm 2022, TP đã rà soát và phát hiện 80/hơn 13.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Năm 2023 và quý I năm 2024 rà soát hơn 18.000 sản phẩm, phát hiện hơn 180 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Theo bà Lan, đa số cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng tại TP.HCM chỉ là văn phòng đại diện nên còn hạn chế khi cần liên hệ chủ cơ sở. Ngoài ra, công tác quản lý có sự chồng chéo giữa Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm....
“Thị trường thực phẩm chức năng có rất nhiều vấn đề, trong sản xuất vẫn còn tàn tích của công nghệ xô chậu nên tồn tại hàng giả, hàng nhái. Cạnh đó, chưa có quy định về quản lý giá của thực phẩm chức năng dẫn đến người mua phải trả giá cao hơn giá trị thực, nguy cơ trà trộn đồ giả” - bà Lan nêu.