- Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều; so với Luật hiện hành đã sửa đổi 54 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều, với nhiều điểm mới…
Sáng 04/5, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết
Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều; so với Luật hiện hành đã sửa đổi 54 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều, tập trung quy định 04 nhóm chính sách lớn phù hợp với đề nghị xây dựng luật đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều điểm mới như: Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước; Bổ sung Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;…
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tac quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chặt chẽ và có thể trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Để việc sửa đổi, bổ sung có tính toàn diện, phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi và hạn chế sửa đổi, bổ sung nhiều lần, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá toàn diện hơn những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tổ chức thi hành Luật, đánh giá kỹ hơn và có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã tích cực xây dựng Hồ sơ dự án Luật kèm theo Tờ trình số 81/TTr-CP, ngày 08/3/2024 gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh để thẩm tra sơ bộ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát toàn bộ hồ sơ dự án Luật, bổ sung các tài liệu...
Liên quan đến chính sách “Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về cơ sở pháp lý, thực tiễn của khái niệm “Dao có tính sát thương cao” tại điểm b khoản 4 (Vũ khí thô sơ) Điều 3 (Giải thích từ ngữ) của dự thảo Luật. Như vậy, việc căn cứ vào mục đích sử dụng để lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này để phân biệt với hành vi không phạm tội có phù hợp và có tính khả thi, có ảnh hưởng đến việc sản xuất, quản lý, mua bán, sử dụng hiện nay của người dân không? Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp cũng như đảm bảo tính khả thi của dự án Luật khi đi vào thực tiễn.
Về quy định cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam (Điều 16 dự thảo Luật), đây là nội dung mới bổ sung so với Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc ý kiến cho rằng vũ khí, công cụ hỗ trợ là loại hàng hóa đặc biệt, có khả năng gây sát thương, gây nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng của con người, do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chỉnh lý quy định này theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ; đồng thời chỉnh lý về trình tự, thủ tục tiếp nhận, bảo đảm chặt chẽ ngay tại dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, sau Phiên họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Thẩm tra dự án Luật và trình xin ý kiến để ban hành gửi các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.