- Sau khi liên tiếp các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động….
Tai nạn lao động là nỗi ám ảnh không chỉ của người lao động mà cả người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng. Nhiều người ra đi vĩnh viễn, có người còn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời.
Mới đây nhất, ngày 22/4 đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm 7 người tử vong và 3 người bị thương khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Khu vực xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng |
Cũng trong tháng 4/2024, nhiều vụ tai nạn lao động khác đã xảy ra, điển hình như vụ tai nạn tại phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; vụ sập mái kính toà nhà 7 tầng tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi tu sửa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…
Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, trong năm 2023, trên toàn quốc xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 16.300 tỷ đồng (chỉ tính riêng trong những khu vực có quan hệ lao động trong năm qua)...
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Công điện nêu: Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; công khai các vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng và những gương điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay, bài học quý về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động;
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được yêu cầu nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người;
Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm.