- Chiều 16/5 vừa qua, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 họp phiên đầu tiên. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo đó, đến thời điểm này, cơ bản Bộ GDĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Hiện Bộ đã dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến góp ý từ các bộ và trình Thủ tướng.
Các công việc chuyên môn cũng đã được triển khai đúng tiến độ và chất lượng như các phần mềm phục vụ tổ chức thi gồm hệ thống quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm hỗ trợ ra đề thi; công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; chuẩn bị thành lập Hội đồng ra đề thi; công tác tập huấn nghiệp vụ…
Về công tác đăng ký dự thi, thí sinh thực hiện từ 2/5 đến 17h ngày 10/5. Kết thúc thời gian đăng ký, có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 (chiếm 4,25%). Hiện nay, các đơn vị đăng ký dự thi đang thực hiện rà soát kiểm tra thông tin đăng ký dự thi của các thí sinh.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ tiếp tục tập trung cho công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi và đề thi. Chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nhân sự, hệ thống văn bản để thành lập Hội đồng ra đề thi. Lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị các phương án vận chuyển đề thi đến các địa phương đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ GDĐT về công tác chuẩn bị kỳ thi của các địa phương và chuẩn bị các điều kiện để họp Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia với các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh…
Tại phiên họp, Phó Chánh thanh tra Bộ GDĐT Ngô Minh Hưng đã báo cáo về phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra; kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các thành viên Ban Chỉ đạo trao đổi về công tác chuẩn bị, nhấn mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi, phòng chống thiết bị công nghệ cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kết luận phiên họp |
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan thường trực là Cục Quản lý chất lượng. Cụ thể, thời gian qua đã tham mưu lãnh đạo Bộ GDĐT các công việc chuẩn bị cho Kỳ thi, trong đó nhiều việc đã có kết quả tốt. Thứ trưởng cũng cảm ơn các thành viên trong Ban Chỉ đạo đến từ Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ nhiều năm qua đã phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công việc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, tính chất nhạy cảm, tác động xã hội lớn, quy mô trên toàn quốc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp nhịp nhàng, thông suốt; cách làm việc khoa học, chặt chẽ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan ở bất cứ khâu nào.
Thứ trưởng lưu ý tầm quan trọng của công tác đề thi, trong đó có chất lượng đề và công tác bảo mật; vấn đề lựa chọn con người bảo đảm nhận thức, thái độ, chuyên môn nghiệp vụ; vừa lựa chọn, tập huấn, vừa thanh tra kiểm tra chéo, giám sát lẫn nhau.
Để triển khai các công việc tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký tham gia nghiêm túc, đúng với chức năng nhiệm vụ được phân công ở cả 3 khâu quan trọng là trước, trong và sau Kỳ thi.
5 nhóm vấn đề được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý cụ thể. Đó là, công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, chặt chẽ; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn, an ninh; công tác tổ chức thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời, đầy đủ và toàn diện.
Yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức Kỳ thi được Thứ trưởng nhấn mạnh lại trong phiên họp đầu tiên. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi, không gây áp lực, căng thẳng cũng là lưu ý của Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.