- Do việc đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn khó khăn nên cơ bản các cơ sở giáo dục đã tiến hành chia lẻ các môn tích hợp để dạy riêng như chương trình cũ. Đây là một thực tế được Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu khi nói đến những bất cập trong việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) bày tỏ quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.
Theo đại biểu Trần Đình Gia, sau một thời gian triển khai chương trình, qua trao đổi với giáo viên và học sinh thì đánh giá đây là một chương trình có nhiều tính ưu việt so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Giáo viên đều cho rằng chương trình giáo dục lần này thể hiện tính toàn diện, cơ bản, thiết thực, hiện đại, đảm bảo giáo dục đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy vai trò chủ động và tiềm năng của học sinh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chương trình vẫn còn một số bất cập.
Cụ thể, quá trình triển khai chương trình này, ngân sách trung ương không bố trí để mua sắm cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học. Nội dung này giao cho ngân sách địa phương, tuy nhiên ngân sách địa phương thì rất khó khăn cùng với những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu mua sắm đầu tư công, cho đến nay nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình này.
Cùng với việc mua sắm cơ sở vật chất thì, theo đại biểu, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng còn nhiều khó khăn, cho dù ngành giáo dục đã nỗ lực rất lớn trong việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên khi triển khai chương trình này, tuy nhiên đối với các môn giáo dục tích hợp và giáo dục tự chọn thì nội dung này còn rất khó khăn.
“Đối với giáo viên hiện có, thứ nhất là không có thời gian, thứ hai là không có kinh phí, thứ ba là họ cũng không đủ năng lực để tiếp thu một lượng kiến thức mới và rộng chỉ trong một thời gian ngắn để đủ điều kiện dạy chương trình này.” – đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu tỉnh Hà Tĩnh thì đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, đến nay đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn khó khăn nên cơ bản các cơ sở giáo dục cũng tiến hành chia lẻ các môn tích hợp để dạy riêng như chương trình cũ.
Đối với các môn tự chọn cũng như các môn năng khiếu, số lượng giáo viên cũng rất ít, có những môn nhiều học sinh lựa chọn thì không có giáo viên hoặc ít giáo viên, không đủ, nhưng có những môn có giáo viên thì lại không có học sinh lựa chọn
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) |
Một khó khăn nữa cũng được đại biểu Trần Đình Gia thông tin, đối với khối tiểu học, thời gian gần đây số lượng học sinh bước vào cấp tiểu học rất lớn, cùng với việc biên chế 1 lớp học ở khối tiểu học chỉ có 35 em học sinh trên 1 lớp, trong khi khối trung học cơ sở, phổ thông trung học thì 45 học sinh và việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên môn tin học và ngoại ngữ. Đó cũng là một khó khăn trong việc giáo dục tiểu học ở rất nhiều địa phương.
Về quản lý dạy thêm, học thêm, theo đại biểu Trần Đình Gia, dạy thêm, học thêm cũng là một yêu cầu khách quan của xã hội nếu được quản lý, được hướng dẫn một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm, đặc biệt là dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay còn rất hạn chế, dẫn đến có một số trường hợp lạm dụng ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần sớm có các văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Nhấn mạnh những nội dung tôi phản ánh trên đây đã được ghi trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khắc phục hoặc khắc phục còn rất hạn chế. Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với ngành giáo dục vào cuộc.