- Sáng 27/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo tập huấn Kiểm định viên Giáo dục đại học (GDĐH) và Cao đẳng sư phạm (CĐSP) về chuẩn cơ sở GDĐH và tham chiếu trong kiểm định chất lượng. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục đại học và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GDĐT, các báo cáo viên, các tổ chức kiểm định và 350 kiểm định viên trên cả nước…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Bộ GDĐT |
Ngày 05/02/2024, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01). Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu về Thông tư 01 và hiệu lực của Thông tư 01, cùng thảo luận, giải đáp những vướng mắc liên quan đến áp dụng Thông tư 01 trong kiểm định Cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Mục đích của chuẩn cơ sở GDĐH đầu tiên là để sắp xếp, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Tập trung vào thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống. Vì vậy mà chuẩn cơ sở GDĐH có những tiêu chí, chỉ số rất cụ thể.
Khi có chuẩn cơ sở GDĐH, chuẩn chương trình đào tạo, Bộ GDĐT sẽ từng bước rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các thông tư theo hướng đơn giản hóa, nâng cao quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo đúng quy định của Luật. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa, thuận lợi cho quản lý nhà nước, cho các trường đại học, cho các trung tâm kiểm định và cho cả kiểm định viên. Việc thực hiện tốt chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ làm cho công tác kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài đơn giản hơn và đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống.
Theo Thứ trưởng, Bộ chuẩn ban hành sẽ có nhiều tác động trong hệ thống và muốn sử dụng thực sự hiệu quả cần phải hiểu thật sự thấu đáo. Bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính định tính thì cũng cần phải có những yêu cầu tối thiểu, mang tính định lượng.
Khi ban hành bộ chuẩn này, Bộ GDĐT đã có quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, qua các diễn đàn, các cơ sở giáo dục đại học. Quan điểm của Bộ GDĐT khi xây dựng Thông tư, Nghị định không phải tập trung khía cạnh để quản lý mà định hướng hỗ trợ nhiều hơn.
Thứ trưởng hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo cùng các trung tâm kiểm định, các kiểm định viên sẽ trao đổi thẳng thắn, làm rõ các nội dung, băn khoăn để thực hiện công việc hiệu quả.
Trao đổi tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết: Từ khi có Luật GDĐH; nhất là từ sau khi có Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH…, công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm.
Ngoài ra, còn có hệ thống các văn bản dưới luật; trong đó có 2 thông tư trung tâm là Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Đặc biệt, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH và CĐSP giai đoạn 2022-2030”. Đây là căn cứ để Bộ GDĐT tổ chức thực hiện đến các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định. Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch từ nay đến năm 2025, trong đó lưu ý các trung tâm kiểm định, các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai Quyết định số 78 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tổ chức thực hiện, theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, hiện nay Việt Nam có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định nước ngoài được Bộ GDĐT công nhận hoạt động.
Tính đến ngày 30/4/2024, cả nước có 1.773 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, có 1.254 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 519 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Song hành tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm tra, giám sát được quan tâm.
Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, việc ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài và được công nhận, là sự ghi nhận nỗ lực của các cơ sở GDĐH Việt Nam và đang đi đúng theo kế hoạch đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ kiểm định viên, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh công tác xây dựng mạng lưới kiểm định viên và bồi dưỡng đội ngũ này. Cùng với đó, tham mưu lãnh đạo Bộ về sát hạch kiểm định viên theo khối ngành, theo bộ tiêu chuẩn, tiêu chí… tiến dần đến chuyên nghiệp hóa kiểm định viên.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Giáo dục đại học, các chuyên gia đã giới thiệu, làm rõ các nội dung xung quanh Thông tư số 01, Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học; đồng thời đối sánh các tiêu chuẩn, tiêu chí 2 Thông tư này.
Đại diện Bộ GDĐT và các chuyên gia cũng đã giải đáp những ý kiến, thắc mắc của các kiểm định viên, về các vấn đề liên quan, giúp cho việc kiểm định đạt chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.