- Một đường dây sản xuất các sản phẩm nước giặt nhãn hiệu “D-nee”, “Fineline”, “Hi Class”, nước rửa bát đĩa nhãn hiệu “LIPON”, nước tẩy “OKAY” giả của Thái Lan với quy mô lớn, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng đã bị lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện, triệt phá.
Đối tượng cầm đầu Trần Văn Sơn và số nước giặt, nước rửa bát giả. |
Thuê nhà xưởng, thành lập Công ty để sản xuất hàng giả
Sau một thời gian điều tra, xác minh, làm rõ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.
Theo đó, 10 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” gồm: Trần Văn Sơn (sinh năm 1999), Trần Văn Tỉnh (sinh năm 1997), Trần Văn Thà (sinh năm 1975), đều ở huyện Như Thanh; Lê Văn Sơn (sinh năm 1993), Nguyễn Quốc Dung (sinh năm 2001) đều trú ở thị xã Nghi Sơn; Lê Sỹ Thái (sinh năm 1976, trú tại huyện Đông Sơn); Lê Gia Xuân (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 2001), đều ở huyện Triệu Sơn; Phạm Thị Thu Hương (sinh năm 1991, ở Thành phố Hồ Chí Minh) và Lê Bá Minh (sinh năm 1984, ở huyện Hà Trung).
Theo kết quả điều tra, xác minh, Trần Văn Sơn là đối tượng cầm đầu đường đây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan. Lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng “chuộng” dùng hàng ngoại là hàng Thái Lan, Trần Văn Sơn đã rủ các đối tượng còn lại thuê nhà xưởng, thành lập Công ty để sản xuất hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan để tung ra thị trường tiêu thụ.
Thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng
Để sản xuất hàng giả, cuối tháng 02/2022, Trần Văn Sơn đã thuê nhà xưởng ở địa chỉ Lô số 5, khu công nghiệp Đình Hương Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, sau đó đặt mua các loại máy móc, thiết bị như: Bồn chứa, phi nhựa, máy bơm, mô tơ điện, thiết bị trộn… Sau khi thử nghiệm thành công, Sơn cùng đồng bọn tiến hành việc sản xuất các sản phẩm nước giặt nhãn hiệu “D-nee”, “Fineline”, “Hi Class”, nước rửa bát đĩa nhãn hiệu “LIPON”, nước tẩy “OKAY” giả của Thái Lan để bán cho khách hàng.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ tại xưởng sản xuất và các đại lý tiêu thụ của Trần Văn Sơn trên 10.000 can, chai nước giặt, nước rửa bát giả các loại; hơn 1 tấn tem, nhãn, vỏ; hơn 10 bộ máy đóng gói; gần 1 tấn hóa chất để sản xuất hàng giả.
Tại cơ quan Công an, 10 đối tượng nói trên đã thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan rồi bán ra thị trường với giá rẻ và thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.
Qua vụ việc này, Cơ quan Công an khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm nước giặt, nước rửa bát cần lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu và mua tại các địa điểm tin cậy. Khi sử dụng, nếu phát hiện nước giặt, nước rửa bát có mùi và có màu sắc khác biệt cần nhanh chóng loại bỏ, không tiếc của mà sử dụng tiếp vì nước giặt này có thể gây hại tới sức khỏe.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 ....... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên; c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; ....... |
P.Mai