- Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả.
Ảnh minh họa |
Rao bán công khai các loại bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả
Xuất phát từ nhu cầu của một số người không muốn học, không muốn tốn thời gian khám sức khỏe nhưng lại muốn có bằng cấp, giấy tờ để làm hồ sơ xin việc hoặc sử dụng với những mục đích khác như thực hiện các hành vi lạm dụng, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản…, thời gian qua, trên Internet và mạng xã hội xuất hiện các dịch vụ nhận làm giả các loại bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả. Các đối tượng rao bán một cách công khai với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn như “đảm bảo bí mật về thông tin và chất lượng giấy tờ giả giống như thật 100%”, giá rẻ, lấy nhanh… Khách hàng chỉ cần lựa chọn loại giấy tờ mình có nhu cầu, cung cấp thông tin cá nhân phù hợp, địa chỉ nhận hàng, chỉ sau vài ngày là đã có thể nhận được giấy tờ.
Thực tế cho thấy việc sử dụng giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng và hệ lụy để lại cho xã hội, tổ chức, cá nhân liên quan và ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khi các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, gây rối trật tự xã hội, xin việc làm; làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân và các cơ quan, tổ chức, mất niềm tin của cộng đồng.
Việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà còn vi phạm và bị xử lý về hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Không mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả
Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động và triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điển hình, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Thấm, sinh năm 1981, trú tại thôn Liêu Hạ, xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên về tội Sử dụng tài liệu giả của Cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi Thấm đang có hành vi bán 07 Giấy khám sức khoẻ được ghi sẵn kết quả khám, có chữ ký của các bác sỹ khám, xét nghiệm và được đóng dấu của bệnh viện nhưng không ghi ngày, tháng; không điền thông tin người khám bệnh tại quán nước.
Quá trình bắt giữ, ngoài 07 tờ giấy khám sức khỏe trên, Thấm đã tự nguyện giao nộp thêm 13 giấy khám sức khỏe khác với các nội dung tương tự. Qua đấu tranh và xác minh sơ bộ ban đầu, cơ quan điều tra xác định toàn bộ số giấy tờ thu giữ của Thấm đều là giả.
Tại cơ quan điều tra, Thấm khai nhận: Vào khoảng tháng 02/2024, Thẩm sử dụng mạng xã hội Facebook truy cập vào một số hội nhóm thấy có bài viết đăng bán nhiều loại giấy tờ giả, bằng cấp giả khác nhau trong đó có giấy khám sức khỏe giả. Qua số điện thoại trên bài viết, Thấm đã đặt mua với giá 100.000 đồng/01 tờ để đi xin việc và bán cho người có nhu cầu với giá 150.000 đồng/01 tờ. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra nhằm chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của Thấm và mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Từ những vi phạm thực tế, cơ quan công an khuyến cáo và đề nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả; nếu phát hiện có hành vi sử dụng, mua bán giấy tờ, bằng cấp giả cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các cá nhân đã mua giấy tờ giả của Trần Thị Thấm tự giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra khai báo và cung cấp các giấy tờ tài liệu liên quan.
P.Mai